Thừa đàn ông
Theo thống kê của Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tính đến ngày 1.7 năm nay, dân số Việt Nam ước đạt gần 92 triệu người, đứng thứ 8 châu Á. Mật độ dân số nước ta cao gấp 5,2 lần mật độ dân số thế giới, gấp 2 lần châu Á - Thái Bình Dương, gấp 2 lần Đông Nam Á và thuộc hàng thứ 3 trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay chênh lệch rất lớn, với 112,8 nam/100 nữ. Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra vì nguyên do lựa chọn giới tính thai nhi, mà căn cốt sâu xa là hệ lụy của quan niệm lỗi thời “trọng nam khinh nữ”. Cũng theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, nếu không có những chính sách “giảm nhiệt” cho tình trạng mất cân bằng giới tính thì trong vòng vài chục năm nữa, nước ta sẽ có hơn 2 triệu con trai “dư thừa”. Và không riêng Việt Nam mà 14 quốc gia trên thế giới cũng sẽ “dư thừa” 117 triệu đàn ông (!).
Mười con gái cũng coi như không, câu chuyện đó có lẽ bắt đầu từ quan niệm của chế độ phụ quyền trong lập phổ hệ dòng tộc, rằng “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Có con trai thì mới được viết vô gia phả, đó là người truyền thừa nối dõi tông đường, tiếp nối cho chi nhánh mới của họ tộc. Và, con gái là phận “nữ nhi thường tình”, lấy chồng thì “trổ cửa ra” coi như mất đứt. Vì cố sinh được con trai để thờ cúng dòng tộc nên nhiều gia đình bắt ép con dâu phải đẻ cho bằng được. Người này không đẻ được thì tìm cưới người khác, “trai năm thê bảy thiếp” một phần cũng vì vậy. Việc biến người đàn bà thành máy đẻ, coi thường phụ nữ, đã khiến cho nhiều gia cảnh rơi vào tình huống bi kịch, đẫm nước mắt.
Lạ thay, quan niệm “trọng nam khinh nữ” cho đến bây giờ vẫn còn gây ảnh hưởng với không ít người. Có anh chồng khi vợ mang bầu đã bắt đi khám thai, siêu âm liên tục; phát hiện thai con gái là ỉu xìu mặt mày, thậm chí bắt vợ phá bỏ. Đáng lo hơn, cũng vì cố sinh theo ý muốn (lựa chọn con trai) nên tình trạng nạo phá thai (là con gái) diễn ra ở nhiều nơi, xu hướng tăng chứ không giảm. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn hoặc xâm hại tình dục trẻ em gái vị thành niên đang gióng lên những hồi chuông báo động trên quy mô toàn cầu. Bởi theo số liệu của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15 - 17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 -19 là 3,2 triệu ca. Số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 59 triệu em; tiếp sau là Đông Á, Nam Á cùng khu vực Tây Phi, Trung Phi với 8 triệu em/khu vực; các quốc gia Ả Rập 3 triệu em và khu vực Đông Âu, Trung Á với 1 triệu em. Trước tình trạng đó, UNFPA đã đưa ra chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” cho Ngày Dân số thế giới năm nay (11.7). Một thông điệp được truyền đi là trẻ em gái vị thành niên cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh, có tương lai tươi sáng... UNFPA cũng cam kết thúc đẩy việc bảo vệ các quyền và hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên để các em có thể tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình.
Tàn phá cuộc đời của trẻ em gái, bắt phụ nữ làm máy đẻ, lựa chọn sinh con trai và phá bỏ thai con gái, những hiện tượng đó đã làm cho gia đình và xã hội đi ngược trào lưu văn minh, biến thái tiêu cực cả về cơ cấu dân số, suy giảm sức khỏe, suy thoái đạo đức, ảnh hưởng xấu đến kinh tế... Rất nhiều quốc gia đã hô hào phấn đấu vì sự bình quyền, bình đẳng nam nữ, nhưng việc hóa giải các trở lực là chuyện chưa hồi kết. Trước hết là tình trạng “dư thừa đàn ông”, dự báo sẽ phát sinh những xáo trộn về mặt xã hội. Với Việt Nam, từng chịu hệ lụy của nạn mua bán cô dâu qua Trung Quốc hay trào lưu lấy chồng Hàn, thì khi đàn ông Việt bị dư thừa càng rối rắm thêm nhiều chuyện.
ĐĂNG QUANG