Ăn ở đâu mới sạch?
Chuyện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đâu phải bây giờ mới có quy định. Từ năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành điều lệ vệ sinh lương thực, thực phẩm, nguồn nước. Các năm 1992,1994, Bộ Y tế lại có những quy định về tiêu chuẩn VSATTP. Theo đó, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm phải đăng ký chất lượng thực phẩm. Đồng thời các đội phòng dịch phải luôn tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế theo Nghị định 46/CP… Rồi đến Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực cuối năm 2013, đã quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về VSATTP là 100 triệu đồng/cá nhân và 200 triệu đồng/tổ chức.
Quy định xử phạt có vẻ nặng thế mà sao người ta vẫn không sợ, vẫn sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, đến mức dư luận phải lên tiếng cảnh báo liên tục? Hơn thế, một vị bộ trưởng gọi hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng chất cấm trong trồng trọt chăn nuôi là “tội ác” cần phải truy cứu hình sự. Và, nay thì Chính phủ và chính quyền các địa phương đồng loạt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn.
Cuộc chiến này chắc là chuyện dài nhiều tập. Trong khi đó, có sự ray rứt của nhiều người với câu hỏi ăn ở đâu mới sạch. Vì ngay như ở Quảng Nam, có đến trăm cái chợ huyện, chợ xã hoạt động mua bán, tiêu thụ lương thực, thực phẩm, đồng thời có các hàng cơm cháo để bán cho người chạy chợ. Đấy là chưa kể hàng ngàn thương xá, quán xá chế biến, kinh doanh đồ ăn, thức uống thường tụ bạ dọc theo các con lộ. Đông và nhiều quá, khó mà nói tất cả đều bảo đảm VSATTP.
Với chợ nông thôn, thị trường thực phẩm tươi sống mang tính “tự tiêu” các sản phẩm “tự sản” như: lúa gạo, rau, thịt gia súc… Chợ nào cũng thường có sản phẩm chiếm khối lượng đáng kể là rau, thịt. Song, trong khi nhiều vùng rau chưa được quy hoạch làm “rau sạch” nên khó kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng để phun, rải. Còn thịt gia súc, hiện còn rất nhiều lò mổ nhỏ lẻ phân tán trong các khu dân cư chưa bảo đảm tiêu chuẩn yêu cầu về VSATTP. Việc tập trung các lò mổ vào khu vực để dễ kiểm soát là yêu cầu cần thiết song không dễ thực hiện. Mới đây, Báo Quảng Nam đã phản ánh tình trạng khu giết mổ tập trung ở Bình An (Thăng Bình) hàng ngày chỉ có ít cơ sở nhỏ lẻ đem tới dăm ba con heo để mổ, vậy thịt đâu mà bán ê hề ngoài chợ Quán Gò và các chợ chung quanh? Do đó, chưa nói đến chuyện gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, các lò mổ nhỏ lẻ không kiểm soát được thịt gia súc bị dịch bệnh và vẫn tung ra thị trường. Mặt khác, nhiều chợ có quầy hàng bán thịt cá. Quầy bán còn quá thô sơ với các phương tiện mới nhìn đã “sợ”. Nhiều sạp hàng bày thịt trên giá gỗ, ruồi nhặng vo ve suốt ngày. Có chỗ hạn chế ruồi bằng lồng lưới hoặc chỉ dùng cây chổi đưa qua, đưa lại xua ruồi. Nếu mua phải đồ ươn ế, thêm chuyện thịt heo bệnh, cá ướp u rê thì làm sao mà ăn sạch được?
Với loại thực phẩm chế biến, các quán ăn uống nhan nhản từ cửa chợ đến lề đường. Những địa điểm cố định còn dễ kiểm dịch. Nhưng với hàng rong bán đêm thì sao. Một chiếc xe đẩy có thể chứa đầy đồ ăn, từ bánh mì, chả… đến nước uống, thuốc lá. Về đêm, dọc theo lề đường, tập trung ở các khu thị trấn, bến xe là những hàng quán chè cháo, bụi đường trùm lên cả chén bát, thức ăn. Có chỗ bán hàng chỉ dùng một miếng giẻ lau bát và một thau nước là vô tư rửa suốt đêm. Cứ “tráng qua” một lượt xong, múc ngay tô cháo gà, vịt,... Các loại thức uống từ hàng quán này cũng vậy. Cứ thế ai bán cứ bán, ai ăn cứ ăn, mặc mầm dịch bệnh từ thực phẩm.
Ở nhiều vùng nông thôn và đô thị mới nổi ở Quảng Nam, khi người sản xuất và tiêu dùng chủ yếu vẫn còn nghèo, thì việc đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP là bài toán nan giải. Vì địa bàn phức tạp và rộng lớn của thị trường nông thôn, việc kiểm dịch, kiểm định VSATTP có nhiều trở ngại. Do vậy, mong muốn trước hết là các lực lượng chức năng phải liên tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn về vệ sinh phòng dịch, về các tiêu chuẩn và quy định VSATTP đến các cơ sở; khuyến cáo người dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch cả về nguyên liệu và cách thức chế biến, bán hàng. Đồng thời phải có lực lượng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện VSATTP ở các lò mổ, các chợ, hàng thịt cá, hàng ăn uống dọc đường, các khu vực dân cư đông người và đô thị.
ĐĂNG QUANG