Cánh tay, dài và ngắn

ĐĂNG QUANG 30/11/2015 09:12

Khi đụng đến chuyện gì ở cơ sở người ta hay dùng hình ảnh cánh tay để ví von.

Các trạm quản lý bảo vệ rừng là cánh tay vươn đến vùng ngõ nguồn.

Trạm y tế là cánh tay để ngành y chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở tuyến đầu tiên.

Thôn là cánh tay của xã.

Xã là cánh tay của huyện…

Hiểu với hình ảnh như thế thì chuyện gì cũng có liên quan, tương tác giữa cánh tay – cấp dưới và bộ não – cấp trên. Và, trong thực tiễn vận hành nền kinh tế - xã hội, luôn có chuyện thử thách sự tương thích hai chiều ấy trên nhiều lĩnh vực đời sống.

Điển hình, việc bảo vệ rừng không thiếu văn bản pháp lý quy định, có cả mạng lưới chốt chặn các tuyến huyết mạch nhưng ít tháng lại lòi ra vụ gỗ rừng bị đốn hạ. Trớ trêu và đầy nghi vấn là rừng bị phá ngay sát mũi trạm quản lý bảo vệ rừng, hay trạm kiểm lâm. Vụ phá rừng ở vùng giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam hay mới đây là ở Sông Tranh, minh chứng điều ấy.

Một ví dụ khác, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện ở cơ sở không giải quyết, cũng không báo cáo kịp thời lên cấp trên để xử lý. Vì vậy phát sinh điểm nóng mà nổi cộm như các vụ việc liên quan đến quyền lợi đất đai khi giải tỏa mặt bằng các dự án.

Hay chuyện đang đau đáu là xây dựng nông thôn mới. Một chủ trương đúng được nhiều người dân ủng hộ nhưng cũng nảy nòi một số biểu hiện tiêu cực của “tay chân” chính quyền cấp xã. Gà, bò, heo, nhím… đi “lạc” vào nhà bà con anh em “ông xã”, “ông thôn”, làm cho dân bức xúc. Kêu chuyện thiếu quan tâm của nhà nước, nhưng khi đã cho thực hiện các công trình nông thôn mới thì lại để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản quá nhiêu khê đến nỗi chủ tịch UBND tỉnh mới đây phải chỉ thị cho các huyện, xã rà soát, báo cáo để xử lý (hạn chót vào thứ Tư (1.12) tuần này). Cũng trong chuyện xây dựng nông thôn mới, vì sao tỉnh lại phải ra chỉ thị các địa phương tuyệt đối không được yêu cầu nhân dân đóng góp bắt buộc và quá sức dân? Đó hẳn là vì có nơi đã huy động sức dân quá nhiều, dân chịu không thấu nên kêu trời. Đã có sự ràng buộc đặt ra, nếu huyện nào để xã huy động quá sức dân thì chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh.

Rõ ràng, chuyện nóng lạnh của đời sống cơ sở, những “cánh tay” nhận cảm giác rồi truyền về trung tâm chỉ huy. Bộ não đưa ra những mệnh lệnh điều khiển để tay hoạt động theo chủ đích. Bất cứ chủ trương, chính sách, nghị quyết nào nếu không có mạng lưới cơ sở để thực hiện thì cũng vô nghĩa. Cánh tay ngắn quá thì làm sao vươn tới mọi ngõ ngách đời sống. Trái lại, nếu tay dài mà cứ “quơ cào” lung tung thì tình trạng nhiễu loạn “vô chính phủ” xảy ra.

Việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng tầm năng lực cho cán bộ là cách làm cho bộ máy vận hành hữu dụng dù biết “bàn tay có ngón ngắn ngón dài”. Song hành với điều đó là yêu cầu cải cách thể chế để có nền hành chính công vụ chuyên nghiệp đủ năng lực quản lý và điều hành thông suốt các cấp. Không cải cách được nghĩa là vẫn phải chấp nhận chuyện cũ, với những tình trạng trên bảo dưới không nghe, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hoặc thậm chí tệ hơn “miệng nói một đàng tay chân làm một nẻo”...

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG