Mơ cuộc "cách mạng" mới
Phải khẳng định ngay rằng, cuộc “cách mạng” về giao thông nông thôn (GTNT) ở Quảng Nam đã đạt được thành tựu lớn trong thời gian qua.
Còn nhớ, khi UBND tỉnh có Quyết định 19 ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT, một phong trào vận động làm đường làng ngõ xóm lan tỏa khắp các vùng quê. Và trong giai đoạn 2001 - 2009, toàn tỉnh đã kiên cố được 2.765,5km đường. Tiếp bước thành quả cuộc “cách mạng” lần thứ nhất ấy, khi triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND về phát triển GTNT (giai đoạn 2010 - 2015). Đến nay, qua 6 năm thực hiện, toàn tỉnh bê tông hóa hơn 1.477km mặt đường. Tổng chiều dài GTNT trên địa bàn tỉnh đã kiên cố hóa nâng từ 2.766km lên 4.266km. Sở dĩ coi đây là cuộc cách mạng vì không dễ gì với điều kiện tỉnh nghèo, nhân dân còn khó khăn, địa hình phức tạp mà làm được hàng ngàn cây số đường đến các vùng quê như thế. Hàng ngàn tỷ đồng đã được huy động, trong đó địa phương và nhân dân ở cơ sở đóng góp phân nửa kinh phí đầu tư.
Thành quả là không nhỏ, tuy nhiên so với nhu cầu phát triển thì công cuộc làm GTNT sẽ còn phải tiếp tục. Bởi vì, trải mưa nắng khắc nghiệt và việc sử dụng quá tải, nhiều con đường GTNT đang xuống cấp. Đường cũ làm vào những năm 2000 có bề mặt nhỏ, mỏng, giờ gần như xập xệ hư nát. Đặc biệt, còn tới 2.643km đường GTNT chưa được bê tông kiên cố nên vẫn còn cảnh nắng bụi mưa bùn. Qua khảo sát, Ban Kinh tế và ngân sách của HĐND tỉnh đã báo cáo, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 143/2009/NQ-HĐND, công tác quản lý, kiểm tra ở một số nơi chưa chặt chẽ, có tình trạng cắt xén vật liệu xây dựng (xi măng) nên chất lượng đường không đảm bảo, bề mặt một số đoạn đường nhanh xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, bề rộng nền đường, mặt đường vẫn còn nhỏ, chưa phù hợp với những đoạn đi qua khu vực đông dân cư và có điều kiện kinh tế phát triển. Các địa phương miền núi tỷ lệ thực hiện kiên cố hóa GTNT đạt rất thấp so với nhu cầu, như huyện Nam Trà My mới đạt khoảng 7,9%, Tiên Phước 21,3%, Nam Giang 22,9%. Một số nơi, việc huy động đóng góp của người dân còn gặp khó khăn, công tác quản lý nguồn vốn đóng góp của nhân dân chưa rõ ràng gây bức xúc và tạo dư luận không tốt.
Với những hạn chế như thế, UBND tỉnh đã đệ trình HĐND tỉnh xem xét đề án “Phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020”, để tiếp tục đầu tư kiên cố hóa 571km GTNT. Kinh phí thực hiện đề án khoảng 477 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 255 tỷ đồng. Hướng ưu tiên đầu tư là cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020. Dễ nhận thấy, đề án này đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với yêu cầu phát triển “tam nông”, nhất là với công cuộc xây dựng nông thôn mới (mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 50% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí GTNT của nông thôn mới). Dĩ nhiên, để thực thi, đề án phải được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Một giấc mơ cho những con đường GTNT phủ khắp địa bàn, khớp nối với các trục giao thông chiến lược, tạo điều kiện cho phát triển đời sống nhân dân, vẫn là khát khao cháy bỏng của Quảng Nam. Đó có thể là cuộc “cách mạng” mới đang tiếp tục ươm mầm.
ĐĂNG QUANG