Lụa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/01/2015 08:46

Mỗi khi có khách hỏi chuyện về lụa, chàng trai ấy lại hào hứng lên hẳn. Chàng kể lại những giai thoại mà người dân ở xứ tằm tang tơ lụa truyền đời. Rằng, có một tuyệt thế giai nhân đã xuất hiện trên biền dâu trong đêm trăng chúa ngự thuyền rồng. Thuyền của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601- 1648) đậu bến nào đó ở Thu Bồn.Câu hát trên triền dâu xanh ngắt nỗi niềm: “Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”. Mối tình tuyệt đẹp kia kết thúc có hậu khi chúa vời nàng thôn nữ hái dâu về cung, trở thành bà Đoàn Quý Phi.

Nếu chỉ để kể cho vui chuyện đêm khuya có lẽ chỉ dừng ở đó là đủ. Nhưng Lê Thái Vũ lại khác. Chàng khao khát viết tiếp chuyện trên nền lụa. Một gian thờ Bà Chúa Tàm Tang được Vũ kiến tạo trong không gian của Làng lụa Hội An. Bên cạnh đó, những khung cửi, xa quay, tơ vàng… giăng mắc cùng với chỉ dẫn hình ảnh, tiểu sử về người có công lao to lớn với ngành dệt xứ Quảng là cụ Cửu Diễn (Võ Dẫn, 1897 – 1975, quê làng Thi Lai, Duy Xuyên). Đó là những níu kéo tâm linh để hướng về cái nghề từng một thời hưng thịnh ở xứ Đàng Trong.  

Đam mê dường như bất tận, Vũ tìm đọc sách vở người xưa mô tả về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Các giáo sĩ phương Tây đã thuật lại, hàng tơ lụa từ thương cảng quốc tế Hội An được xuất đi ngoại quốc rất nhiều nhờ đặc tính riêng có của hàng lụa Đàng Trong so với Đàng Ngoài và khác lụa Tàu. Đặc biệt, Vũ dẫn tư liệu của giáo sĩ Cristoforo Borri mô tả cây dâu bản địa to lớn mà người Chăm, trước khi người Việt đến, đã nuôi trực tiếp con tằm trên cây cho cái kén vàng không nơi nào có được. Đọc rồi mê mải tìm, sưu tầm những cây dâu cổ thụ. Cả một vườn dâu, có cây hàng trăm năm tuổi, thực sự to lớn, khác lạ về thân và lá, đã được hình thành ở làng lụa. Lại một cú “lội ngược dòng” nữa, Vũ mời nghệ nhân về bày cách nuôi tằm và dệt lụa theo lối thủ công truyền thống như xưa. Mất nhiều năm để theo đuổi niềm đam mê và hiện thực hóa ước mơ phục dựng nghề lụa, Lê Thái Vũ mới có được Làng lụa Hội An nổi tiếng như bây giờ. Thật kỳ công!

Chuyện của Lê Thái Vũ có mới không? Không mới. Vì đã từng có những con dân Quảng Nam theo bước tiền nhân đưa ngành dệt phát triển rực rỡ ở phương nam. Như đã từng có một “Quảng Nam giữa Sài Gòn” – làng dệt Bảy Hiền, được hình thành. Những người đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng Bảy Hiền như Hồ Viết Thanh (Chín Viết), Hồ Non (khoảng 1956-1957), Huỳnh Đắc Thi, Lê Hoành, Võ Lẫm, Võ Đảo, Phan Thanh Quang, Hồ Trung, Hồ Thơ, Hai Trúc, Ba Ngàn... (khoảng 1958-1959), và từng có nhà hồ sợi “Quảng Nam Hưng” nổi tiếng.  Những năm 60 của thế kỷ trước, làng dệt Bảy Hiền cạnh tranh mạnh với giới sản xuất và kinh doanh hàng dệt Hoa Kiều. Lịch sử công nghiệp của Sài Gòn còn lưu dấu về một giai đoạn, khu vực Bảy Hiền chiếm một phần ba sản lượng hàng dệt của quận Tân Bình, và cơ sở dệt may của người Quảng chiếm đa số trong hơn 6 ngàn doanh nghiệp dệt may nơi đây.

Lạ thay, nghề dệt trải bao lớp sóng phế hưng. Những làng nghề nổi tiếng trên quê lụa như Đông Yên, Thi Lai, Hà Mật, Mã Châu… chỉ còn những cái tên trong miền nhớ. Vậy nên, cần có rất nhiều người như Lê Thái Vũ, họa may nghề dệt truyền thống được chấn hưng và lụa xứ Quảng mới dựng xây thương hiệu, đưa dải lụa vắt qua các bến bờ châu lục.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM