Một gang tay
Trong vòng 50 năm qua, mực nước biển của Việt Nam dâng cao 20cm, tức chỉ bằng khoảng một gang tay. Tưởng không gì phải lo câu chuyện về biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng. Vậy mà, theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường Hội An, nếu không kè khẩn cấp thì một phần phố cổ Hội An sẽ bị sụp đổ xuống sông, do các trụ kè này đã mục nát hết cốt sắt, không thể chịu đựng sóng triều dâng xói lở. Rõ hơn, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng biến đổi khí hậu vừa được tổ chức ở Hội An Beach Resort, ông Hiền nói, chỉ cách nơi các đại biểu dự họp “một gang tay” là thấy Cửa Đại đang bị sóng biển tàn phá, có khu nghỉ dưỡng đang đứng trên bờ vực thẳm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, trong vòng mấy năm qua, Quảng Nam chịu thiệt hại kinh tế rất lớn do biến đổi khí hậu, chưa kể tổn thất tính mạng con người.
Để ứng phó biến đổi khí hậu, Quảng Nam cùng tỉnh Bến Tre đã được chọn để xây dựng mô hình thí điểm. Mười mô hình, dự án đã triển khai tại Quảng Nam, với mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, từ nguồn vốn do các nhà tài trợ quốc tế thông qua chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC). Trong đó, có các mô hình đã phát huy hiệu quả như nhà đa năng, đường tránh lũ, nâng cấp kênh mương thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn, phục hồi và trồng rừng ngập mặn… Theo ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, nếu tính riêng tiền đầu tư từ chương trình SP-RCC là ít ỏi, nhưng thực ra trong tổng 4 nghìn tỷ đồng đầu tư mỗi năm của tỉnh cho các công trình đều có xem xét đến yếu tố thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện kè phố cổ Hội An và kè Cửa Đại, các bộ ngành liên quan cần xúc tiến đề đạt Thủ tướng Chính phủ và các nhà tài trợ quan tâm ưu tiên đầu tư cấp bách.
Bão, lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn và động đất,… đều là những hiện tượng thiên tai, đang ngày một gia tăng tần suất và cường độ. Tất nhiên, có yếu tố do biến đổi khí hậu nhưng cũng có những yếu tố do tác động của con người gây ra. Ví như xói lở bờ sông có phần vì khai thác cát bừa bãi. Chuyện phá rừng đầu nguồn là yếu tố làm cho lũ lụt ngày một dữ dội, trong khi rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển đã bị phá trước đây khiến không ngăn được gió bão từ hướng đông, thêm nạn cát bay lấp đồng, lấp ruộng. Bây giờ thì phải gồng mình chống chọi. Trong khi đó, xây dựng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai cần rất nhiều tiền. Dường như ở đâu cũng bức xúc, tỉnh nào cũng đưa ra công trình cần đầu tư (nghe đâu có tới 500 dự án được đề nghị), tuy nhiên danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ còn 62 công trình, dự án, cần nguồn vốn đến 20 nghìn tỷ đồng. Hai năm qua (2013-2014), chỉ có 16 công trình, dự án đã được triển khai, với số vốn gần 1 nghìn tỷ đồng. Bà Trần Hồng Việt, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, đặt vấn đề thời hiệu của chương trình SP-RCC đã gần hết nên Quảng Nam cần tranh thủ trong gang tấc để thu hút nguồn vốn từ chương trình này. Nếu không, nguồn lực đầu tư bị cắt giảm, sẽ khó thực hiện được việc nhân rộng các mô hình thí điểm đã làm.
Một gang tay, câu chuyện đã rất gần với những mối đe dọa, thách thức do biến đổi khí hậu.
ĐĂNG QUANG