Từ một bức thư…
Năm học 2014-2015 đã khai giảng nhưng dư âm câu chuyện về bức thư của GS.NGƯT Văn Như Cương, hiệu trưởng một trường THPT dân lập, vẫn còn vang vọng. Bức thư ấy mang thông điệp gửi các bậc cha mẹ học sinh, với những lời chia sẻ kinh nghiệm rất tâm huyết, khoa học của một nhà giáo gần trọn đời gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Bức thư này có thể tóm tắt mấy nội dung cốt lõi: Cha mẹ không nên vội vàng bình xét con cái, quá tâng bốc hay mạt sát. “Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta”. Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém. GS.NGƯT Văn Như Cương cũng gợi ý cha mẹ nên khuyến khích con cái tham gia lao động, giúp đỡ gia đình. “Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công”. Chú ý không để con cái sa vào thế giới ảo trên internet. Hãy dạy con cái có tấm lòng nhân ái, biết làm việc thiện, tránh việc học thêm. Bởi việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh như tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi…
Trong bối cảnh đang triển khai công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bức thư của GS.NGƯT Văn Như Cương gợi lên nhiều suy nghĩ về đổi mới dạy và học. Đặc biệt điểm mới trong năm học này, Bộ GDĐT thực hiện đại trà việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quan điểm đúng đắn, hạn chế việc gây áp lực cho học sinh. Với đa số phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, thông tin trên giúp họ giải tỏa phần nào những âu lo, căng thẳng. Song không phải không có những băn khoăn về trách nhiệm của người thầy, khi thay việc chấm điểm cho học sinh bằng những lời nhận xét. Nếu giáo viên thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát trong nhận xét từng học sinh thì rõ ràng quy định mới sẽ không còn ý nghĩa. Vấn đề đặt ra hiện nay cùng với việc lựa chọn cách đánh giá học sinh thì phải suy nghĩ biện pháp giám sát, trách nhiệm của người thầy trong cách thức giảng dạy, giáo dục từng học sinh. Việc sử dụng kết quả đánh giá phải phản ánh đúng chất lượng dạy học. Mong rằng năm học mới này cùng với việc nâng cao trách nhiệm của người thầy thì học sinh sẽ không phải bước vào lớp 1 là chạy đua với những điểm số, những kỳ thi, mà biết chủ động trang bị kiến thức, sống đúng với những gì thuộc về lứa tuổi các em.
Từ lá thư ngỏ của GS.NGƯT Văn Như Cương đầu năm học này thiết nghĩ toàn xã hội cần nhận thức lại một cách đầy đủ vai trò của giáo dục trong sự nghiệp trồng người. Sự nghiệp ấy cần cái bắt tay đầy trách nhiệm giữa ba trụ cột chính của việc giáo dục mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến đó là NHÀ TRƯỜNG - GIA ĐÌNH - XÃ HỘI.
VÕ VĂN TRƯỜNG