Danh sách bí mật
Câu chuyện phá án, bắt các đối tượng ở Tam Kỳ, Thăng Bình làm bằng cấp giả còn râm ran trong dư luận. Đặc biệt, trong số đối tượng bị bắt, có người từng là cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Quảng Nam. Người này hiểu pháp luật mà dám phạm luật, cho thấy việc làm giả văn bằng, tài liệu, con dấu… không thể là hành vi nhất thời không có tính toán kỹ. Theo thông tin ban đầu của Cơ quan điều tra Công an Quảng Nam (Báo Quảng Nam đã đăng tải), từ tháng 8.2011 đến khi bị bắt, các đối tượng nói trên đã câu kết sản xuất và tiêu thụ hàng trăm văn bằng đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Đáng nói hơn là dư luận đặt câu hỏi với thông tin về một danh sách hàng trăm người đã mua bằng cấp, chứng chỉ giả từ đường dây này. Lại có danh sách khác phải kể là đơn vị, tổ chức nào đã đặt cho nhóm đối tượng ấy làm giả một số văn bản của UBND tỉnh về việc cho phép thăm dò khai thác khoáng sản; giả mạo công văn của lãnh đạo Cục Công tác chính trị - Bộ Công an để xin tài trợ, ủng hộ các chương trình từ thiện nhưng thực chất là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm?
Hiện tình bây giờ, các danh sách vừa nêu còn trong vòng “bí mật” là vì cơ quan chức năng nắm giữ để điều tra tiếp tục. Dự báo rằng con số cụ thể hàng trăm văn bằng, tài liệu giả đó cùng với danh sách liên can đến lúc công bố được sẽ tạo nên một cơn “địa chấn” dữ dội. Bởi vì, ai là người muốn có văn bằng giả, làm giấy tờ giả hẳn không ngoài mục đích tư lợi bất chính và dính dáng đến con đường thăng tiến hoặc làm giàu một cách khuất tất. Và, việc xử lý những người có bằng giả sẽ cần hàng loạt biện pháp nghiệp vụ mà nếu không làm nhanh, rốt ráo, họ sẽ lo “chạy” để tẩy rửa.
Câu chuyện còn đi xa hơn với những suy đoán về hậu quả gây ra bởi những người sử dụng bằng giả, tài liệu giả, dấu giả... Xã hội đã náo loạn vì thật - giả lẫn lộn, khi mà những giá trị bị đánh tráo. Chuyện không còn dừng ở một vụ án mà đã trở thành lời cảnh báo với nền giáo dục, với việc đào tạo, sử dụng con người, với đạo đức xã hội. Đó là chưa kể vô số rối rắm từ vấn đề dư luận cảnh báo lâu nay là chuyện “học giả bằng thật, học thật bằng giả”, mà căn nguyên chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Nguy hiểm hơn, có cầu ắt có cung, nếu có nhiều người muốn lấy tấm bằng giả thì có kẻ sẽ tìm cách làm ra nó, vậy bắt bao giờ cho hết? Căn cốt là làm thế nào để người ta không cần bằng giả, không thể sử dụng bằng giả, thì chuyện làm bằng giả sẽ tự tiêu vong.
BẢO TRÂN