Động đất, giả & thật

ĐĂNG QUANG 26/08/2013 08:49

“Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 28.8.2013, một trận động đất xảy ra với cường độ mạnh 6,2 độ Richter, vùng tâm chấn của động đất có tọa độ 15019’57’’ Vĩ Bắc, 108008’52’’ Kinh Đông, tại khu vực hồ chứa của thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My. Động đất đã làm sập đổ nhiều nhà cửa, công trình xây dựng, trường học, công sở, cầu cống, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông trên địa bàn thị trấn Trà My và các vùng lân cận.

Nhận thông báo từ chính quyền huyện Bắc Trà My, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam huy động khẩn cấp các sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang nhanh chóng cơ động đến hiện trường triển khai tìm kiếm cứu nạn. Chính quyền địa phương cũng khẩn cấp đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo các lực lượng phối hợp tham gia ứng cứu.

Thông tin ban đầu xác định, trận động đất đã làm nhiều người chết và bị thương, nhiều nhà cửa bị sập. Tại tổ Đàng Nước, thị trấn Trà My, có khoảng 50 người chết, 120 người bị thương, trong đó có khoảng 30 người chưa được tìm thấy. Có 20 ngôi nhà bị sập đổ, nhiều công trình công cộng bị  hư hỏng trầm trọng, giao thông bị đình trệ, nhiều khu vực bị chia cắt do sạt lở đất đá, nhiều ô tô bị nạn... Sau khi sơ tán những người còn sống đến các khu vực an toàn, hiện các ngành,  các lực lượng vũ trang cùng các tổ chức cứu trợ đang tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn...”.

Tình huống giả định trên đây, đặt ra trong cuộc diễn tập quy mô lớn sắp được tổ chức trên địa bàn Bắc Trà My. Dự kiến cuộc diễn tập có hơn 1.500 người tham gia với sự huy động các phương tiện hiện đại, có khả năng cơ động nhanh trong việc tìm kiếm, cứu nạn.

Ba mục tiêu chính của cuộc diễn tập nhằm để:  (1) Đánh giá khả năng, năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp; điều hành phối hợp, hiệp đồng  các lực lượng, đồng thời đánh giá khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các lực lượng khi có tình huống động đất xảy ra; (2) Thông qua diễn tập, xây dựng bổ sung hoàn chỉnh cho sát thực tế kế hoạch ứng phó động đất, tìm kiếm cứu nạn của các sở, ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan; (3) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có động đất xảy ra.

Dĩ nhiên diễn tập là với những tình huống giả định. Sẽ không có kịch bản lý thuyết nào có thể dự lường hết mọi tình huống thực tế. Ngay một nước có khoa học kỹ thuật tân tiến, có nhiều trải nghiệm với động đất như Nhật Bản, người ta cũng không thể hình dung hết một thảm họa quá sức tưởng tượng trong năm 2011. Vì vậy, hy vọng với cuộc diễn tập, chuyện ứng phó với động đất mà dư luận đặt ra suốt từ khi xảy ra sự cố thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tìm được lối mở khi đạt các mục tiêu. Song, kỹ năng ứng phó tình huống  sẽ không dừng lại với cuộc diễn tập mà cần được trau dồi bài bản thường xuyên để khi thực tế diễn ra không phải “cuống lên”. Mặt khác, một câu chuyện vẫn tiếp tục cần có lời giải đáp là “quyết định số phận” của thủy điện Sông Tranh 2 trên vùng động đất như thế nào trong tương lai để người dân yên tâm sinh sống ở khu vực này.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG