Lắng nghe trái đất
Ngày Trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào 22.4.1970 ở Hoa Kỳ. Đến nay Ngày Trái đất đã được điều phối toàn cầu bởi Mạng Ngày Trái đất và được tổ chức hàng năm ở 175 quốc gia. Nhưng hơn 40 năm qua, trái đất vẫn nóng lên mỗi ngày vì hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Nhiều người vẫn không dành một phút giây để lắng nghe trái đất đang thở ì ạch với nhịp sống gấp gáp vì môi trường tự nhiên vẫn bị hủy hoại.
Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đã tình cờ “nhặt” được ở vườn quốc gia Côn Đảo một đoạn hướng dẫn nói về tiếng chim như thơ: “Hãy dành một chút thời gian để lắng nghe tiếng chim rừng quanh bạn. Có bao nhiêu tiếng chim đang gọi nhau? Tùy từng thời điểm trong ngày mà bạn có thể nghe được tiếng hót của những loài chim khác nhau. Thời gian tốt nhất để nghe những âm thanh này là ngay sau bình minh hoặc chiều muộn. Tiếng hót của các loài chim là để thông báo về lãnh thổ của chúng hoặc gọi bạn kết đôi. Hãy thử bắt chước tiếng của một loài chim và lắng nghe chúng đáp lại!”.
Tiếng chim hót dường có lẽ chỉ hiện diện ở những khu vườn quốc gia như Côn Đảo, những khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, những cánh rừng sót lại của hành tinh xanh. Nhưng có rất nhiều nơi, do nạn phá rừng làm thiếu nước, đất đai trở nên khô cằn, nhiều cánh đồng bị sa mạc hóa. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một khốc liệt. Và chính trong ngày hôm nay, ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, nắng nóng khô hạn đang diễn ra trên khắp dải miền Trung Việt Nam; ở Nam Bộ thì nước mặn xâm nhập sâu, dự báo nước biển dâng có nguy cơ nuốt hết khoảng 30% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng mươi năm đến. Cùng với biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm môi trường trên diện rộng ngày càng trầm trọng khiến các loài chim thiên di cũng mang bệnh.
Muốn giữ được hay kiến tạo một không gian bình minh chim hót, con người cần phải trả nợ chính những gì mình gây ra với đất đai, tự nhiên. Không dưng mà câu chuyện thủy điện mấy năm nay chợt rộ lên với những dư âm bỏng rát. Cả một vùng lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, cùng với nhiều nhánh sông, con suối khô rốc là hiện tượng mặn xâm nhập sâu hơn khiến sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Kể cả nước uống, Đà Nẵng, thành phố năng động của miền Trung bị treo trên đầu cơn khát mỗi khi vào mùa nắng nóng. Làm sao hài hòa mục tiêu sản xuất điện với giữ rừng, không phá vỡ sinh thái thủy văn gây ra khô hạn, thực sự là bài toán khó.
Câu chuyện chỉ dành cho một Ngày Trái đất như hôm nay, hẳn sẽ không đủ để suy tư về sự sống của hành tinh xanh. Vấn đề là chúng ta phải thức nhận và hành động để giảm thiểu nguy cơ làm trái đất nóng lên, chống ô nhiễm môi trường bằng những việc làm cụ thể chứ không nên hô hào suông.
BẢO TRÂN