Khắc tinh của “ông Tý”

Nguyễn Hưng - Phạm Hoàng 01/03/2013 08:37

Là một cán bộ nông nghiệp xã, anh Nguyễn Duy Ân ở thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu (Tiên Phước) không những năng nổ trong công tác chuyên môn, mà còn là người đi đầu trong phong trào diệt chuột, bảo vệ lúa và hoa màu tại địa phương.

Lúc đầu, anh dùng bả diệt chuột nhưng “ông Tý” tinh khôn quá nên kết quả không đạt được như mong muốn. Vả lại, biện pháp này vừa không an toàn cho các loại vật nuôi khác, vừa gây ô nhiễm môi trường. Từ những hạn chế đó anh đã nghĩ đến việc dùng bẫy để diệt chuột. Loại bẫy được anh chọn là bẫy hình bán nguyệt có bán tại trạm bảo vệ thực vật huyện. Sau nhiều lần nghiên cứu, chỉnh sửa lại một số hạn chế của chiếc bẫy và theo dõi quy luật hoạt động của chuột, anh đã thành công. Anh Ân tâm sự: “Bức xúc trước việc chuột đồng ruộng, hoa màu của bà con, tôi thấy diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt vừa đơn giản lại khá hiệu quả nên học tập làm theo”.

Thăm bẫy chuột là việc làm thường xuyên của anh Nguyễn Duy Ân vào mỗi buổi sáng. Ảnh: N.H
Thăm bẫy chuột là việc làm thường xuyên của anh Nguyễn Duy Ân vào mỗi buổi sáng. Ảnh: N.H

Cấu tạo của chiếc bẫy bán nguyệt rất đơn giản, gồm hai đoạn dây thép được uốn cong thành hai hình bán nguyệt, không cần mồi mà có thể thay vào đó là một miếng xốp làm đối trọng, một lò xo. Khi chuột chạy qua miếng đối trọng, then giữ móc bật ra, bẫy sẽ sập xuống và chuột bị chết ngay tại chỗ. Lần đầu do anh chưa nắm quy luật đi ăn của chuột và chưa biết cách đặt nên “ông Tý” ít dính bẫy. Không nản chí, anh thường xuyên quan sát hoạt động của chuột, nắm được hướng di chuyển của chúng để đặt bẫy nên tỷ lệ chuột dính bẫy ngày càng cao. Hiện, anh Ân có khoảng 50 cái bẫy bán nguyệt, bình quân mỗi ngày diệt được 10 - 15 con. Chị Trịnh Thị Kim Hạnh ở thôn Thanh Bôi, cho biết: “Chiều nào anh Ân cũng xách rựa và bẫy ra đồng, sáng sớm hôm sau lại xách bao đựng xác chuột về. Nhiều người trong thôn cũng làm theo anh, nhờ vậy, nạn chuột cắn phá lúa, hoa màu đã giảm đáng kể”.

Diệt chuột không những bảo vệ mùa màng, mà còn có nguồn thực phẩm làm thức ăn cho các vật nuôi khác. Mỗi buổi sáng, sau khi thu gom chuột về, vợ chồng anh chế biến làm thức ăn cho heo và cá. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào, lại giàu chất dinh dưỡng, 3 ao cá với diện tích hơn 1 sào cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 30 triệu đồng/năm. Anh Ân cho biết: “Loại bẫy chuột hình bán nguyệt phù hợp với nhiều địa hình nên diệt chuột đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, tuổi thọ của bẫy chuột gần cả chục năm. Một sào lúa, nếu quây ni lông ngăn chuột, chi phí ít nhất là 100 nghìn đồng, trong khi một chiếc bẫy chuột chỉ có 15.000 đồng, lại dùng hết mùa này qua mùa khác”. Học tập theo anh Ân - khắc tinh của “ông Tý”, bà con nông dân thôn Thanh Bôi đã ngăn chặn được nạn chuột phá hại mùa màng ở vùng quê sơn cước. Nếu huyện Tiên Phước nhân rộng mô hình diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt, nhất định sẽ hạn chế được nạn chuột phá hại ruộng lúa và hoa màu, vốn là vấn đề nan giải từ nhiều năm nay.

Nguyễn Hưng - Phạm Hoàng

Nguyễn Hưng - Phạm Hoàng