Thiệt hại vì không chịu nhận bồi thường
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi buộc phải điều chỉnh thiết kế do một hộ dân không đồng thuận chính sách bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, chính hộ dân này lại chịu thiệt thòi hơn từ những toan tính của gia đình.
Hộ ông Nguyễn Hạnh trú thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh (Thăng Bình) thuộc diện phải giải tỏa di dời, bàn giao mặt bằng xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ông Hạnh chưa nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá đền bù thấp. Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình (gọi tắt là Chi nhánh huyện Thăng Bình) đã phối hợp với các hội, đoàn thể huyện và xã nhiều lần vận động, giải thích nhưng ông vẫn không nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Để không làm chậm tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thống nhất điều chỉnh vệt giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế mái dốc mố A2 và bỏ đường gom km47+123 - km47+204 của dự án này.
Mái ngói nhà ở của hộ ông Nguyễn Hạnh bị xê dịch, chực rơi do việc thi công dự án đường cao tốc trong thời gian vừa qua. Ảnh: H.G |
Thay đổi thiết kế
Ngày 8.9.2015, Chi nhánh huyện Thăng Bình có Thông báo số 38/TB-PTQĐ (lần 2) về giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quyết định UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường chi tiết của hộ ông Nguyễn Hạnh. Theo đó, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ mà hộ ông Hạnh được nhận là gần 537 triệu đồng. Hộ ông Hạnh không thống nhất với giá trị bồi thường này, dù đã được các ngành liên quan đối thoại, giải thích rất cặn kẽ về các nội dung mà ông còn thắc mắc. Tại cuộc họp ngày 21.4.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chỉ đạo UBND huyện Thăng Bình tập trung giải quyết các vướng mắc và nghiên cứu các giải pháp giải quyết dứt điểm trường hợp hộ ông Nguyễn Hạnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cùng ngày, Chi nhánh huyện Thăng Bình đã phối hợp với UBND xã Bình Chánh và đơn vị thi công, đơn vị thiết kế dự án tổ chức kiểm tra hiện trường tại thửa đất, nhà ở, vật kiến trúc của hộ ông Hạnh bị ảnh hưởng bởi dự án và các hạng mục xây dựng dự án. Trên cơ sở đó, các bên thống nhất tổ chức thi công xây dựng tường chắn đất tại vị trí giáp với thửa đất của hộ ông Nguyễn Hạnh để thi công hạng mục chân khay của dự án, không tổ chức thi công đường gom qua vị trí thửa đất của hộ ông, mà xây dựng ở vị trí khác. Ngày 9.5.2016, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có Công văn số 324/BQL.ĐNQN-VPHL yêu cầu tư vấn giám sát và nhà thầu tính toán, chỉnh sửa lại thiết kế gồm: điều chỉnh thiết kế mái dốc tứ nón và đường đầu cầu phía mố A2 gia cố mái dốc bằng đá hộc xây vữa; bỏ đường gom PKG6-FR-C-R-17 tại km47+123 đến km 47+204. Diện tích giải phóng mặt bằng vì thế bị thu hẹp lại. Do vậy, ngày 13.6.2016, UBND huyện Thăng Bình đã ra quyết định hủy các quyết định thu hồi đất phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đối với hộ ông Nguyễn Hạnh.
Bài học từ thực tế
Việc thay đổi thiết kế gây khó khăn cho cả hai bên. Nhà thầu phát sinh tốn kém, còn gia đình ông Hạnh nằm ở vị trí trũng thấp; khi dự án được triển khai thì chung quanh vườn nhà ông thường xuyên bị ngập úng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt… Điều khiến gia đình ông lo lắng, gửi đơn kêu cứu đến các ngành chức năng là tình trạng nhà ở bị rạn nứt, hư hại do quá trình thi công gây ra. Cũng vì thế mà hộ ông Nguyễn Hạnh đã nhiều lần có hành vi ngăn cản, không cho thi công, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Ngày 7.11 vừa qua, đơn vị thi công đã mời các bên liên quan làm việc. Bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Hạnh) bày tỏ nguyện vọng của gia đình được di dời đi nơi khác để có cuộc sống đảm bảo, theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung biên bản cũng khẳng định: “Theo nguyện vọng của gia đình, muốn di dời đi chỗ khác đề nghị gia đình phải có đơn gửi chính quyền các cấp để xem xét, giải quyết”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Chi - Giám đốc Chi nhánh huyện Thăng Bình khẳng định: Trong quá trình kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ, đơn vị đều quan tâm vận dụng tối đa các chính sách có liên quan, không để các trường hợp bị ảnh hưởng dự án chịu thiệt thòi. Tại các cuộc đối thoại với hộ ông Nguyễn Hạnh, chi nhánh cũng đã giải thích, phân tích cụ thể nhưng hộ ông Hạnh vẫn không chấp hành nên mới dẫn đến “cớ sự” trên. “Đơn vị chức năng nhận khuyết điểm là đã có sự thiếu sót trong quá trình kiểm kê thiệt hại. Khi chủ hộ bị ảnh hưởng có ý kiến thì mới thực hiện kiểm kê bổ sung. Rồi trình tự giao nhận hồ sơ thủ tục bồi thường, hỗ trợ chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, chưa chủ động trong việc gặp gỡ, đối thoại với hộ ông Hạnh để sớm có sự đồng thuận. Việc này, đơn vị sẽ sớm khắc phục” - ông Chi nói.
HÀN GIANG