Bổ sung hồ sơ công nhận liệt sĩ cho ông Trần Nho: Thân nhân gặp khó
Chưa được công nhận liệt sĩ, nhưng ông Trần Nho (tham gia bộ đội và mất tích trong quá trình chiến đấu) đã được chính quyền địa phương lập mộ phần tại nghĩa trang liệt sĩ xã từ hơn 20 năm nay.
Ông Trần Thanh Nhân ở thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải (Duy Xuyên) gửi đơn đến Báo Quảng Nam phản ánh: Gia đình ông đã nhiều lần làm hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận liệt sĩ đối với trường hợp ông Trần Nho (SN 1924) là ông nội của ông nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Hải, ông Trần Nho đã được xây dựng mộ phần, nằm liền kề mộ phần của hai người anh ruột ông từ hơn 20 năm nay. Trên bia mộ ghi rõ liệt sĩ Trần Nho, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, hy sinh ngày 15.7.1960.
Theo ông Trần Thanh Nhân, gia đình ông nhận được giấy báo ông Trần Nho mất tích từ Quân đội nhân dân Việt Nam gửi về nhưng giấy báo này đã bị thất lạc. Ngày hy sinh ghi trên bia mộ là theo giấy báo đó. “Trường hợp của ông nội tôi, theo quy định hiện nay được làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, hồ sơ đã gửi lên xã và nhiều lần được bổ sung nội dung theo yêu cầu của cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Duy Hải nhưng vẫn chưa xong. Mới đây, gia đình tôi rất bức xúc khi hay tin UBND xã Duy Hải sẽ chỉ đạo tháo dỡ phần bia mộ của ông Trần Nho ra khỏi Nghĩa trang liệt sĩ xã” - ông Nhân nói.
Theo Công văn số 10/CV-UBND ký ngày 19.6.2015 của UBND xã Duy Hải, chính quyền địa phương đã thừa nhận là trước đây đã có sai sót trong quá trình lập danh sách và xây mộ phần ông Trần Nho ở Nghĩa trang liệt sĩ xã. Thực tế mộ này cũng không có hài cốt nên UBND xã sẽ chỉ đạo tháo dỡ phần bia mộ của ông Trần Nho. Khi nào ông Trần Nho được công nhận là liệt sĩ, nếu gia đình có nguyện vọng, UBND xã sẽ tổ chức lễ đưa phần mộ vào nghĩa trang và xây dựng bia mộ liệt sĩ theo quy định. |
Đối với trường hợp của ông Trần Nho, cán bộ hưu trí cũng như nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh xã Duy Hải, Hội Người cao tuổi xã Duy Hải đều xác nhận là có tham gia cách mạng năm 1960 và trường hợp hy sinh là chiến đấu mất tích vào ngày 15.7.1960. Còn ông Trần Tấn Hưng (SN 1929, trú phòng 6B5 khu tập thể Thủ Lệ, Ba Đình, Hà Nội) - bạn cùng chiến đấu với ông Trần Nho xác nhận: Năm 1946, ông cùng ông Trần Nho và nhiều người khác đã xung phong lên đường tòng quân, vào Vệ quốc đoàn và lên Việt Bắc chiến đấu ở đơn vị 231. Năm 1960, ông Trần Nho hy sinh và mất xác luôn. Tuy nhiên, các xác nhận vẫn chưa làm rõ được nội dung chính yếu là đơn vị, cơ quan mà ông Trần Nho công tác trước khi hy sinh, vì thế việc làm hồ sơ giấy tờ đề nghị công nhận liệt sĩ gặp không ít khó khăn.
Được biết, đối với trường hợp ông Trần Nho, theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP thì căn cứ để xác nhận liệt sĩ là người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31.12.1994 trở về trước. Tuy nhiên, trường hợp ông Trần Nho, UBND xã Duy Hải đã thừa nhận sai sót trước đây trong quá trình lập danh sách và đưa tên liệt sĩ vào nghĩa trang. Do vậy, việc UBND xã Duy Hải đã xây dựng phần bia mộ cho ông Trần Nho tại nghĩa trang không được xem xét là căn cứ pháp lý để công nhận liệt sĩ. Căn cứ vào khoản 1, Điều 3 của thông tư này, UBND xã Duy Hải đề nghị gia đình ông Trần Thanh Nhân bổ sung một trong các giấy tờ có liên quan như: giấy báo tử, giấy xác nhận của cơ quan đơn vị nơi ông Trần Nho trực tiếp tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ. Hoặc các loại giấy tờ, hồ sơ lưu trữ tại cơ quan đơn vị nơi ông Trần Nho tham gia chiến đấu, công tác là đúng quy định. Cũng theo quy định hiện hành, lời xác nhận của các nhân chứng hiện nay đều không có giá trị pháp lý.
Vì thế, việc lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Trần Nho lại bị “trục trặc” khiến thân nhân của ông Trần Nho không biết phải xoay xở thế nào…
HÀN GIANG