Cần làm rõ những điều khuất tất
Vụ việc đơn giản nhưng chính quyền địa phương kéo dài thời gian giải quyết vụ việc khiến ông Đặng Hoàng Chương nghi ngờ có sự mập mờ, khuất tất trong việc xác nhận hồ sơ thủ tục đất đai…
Khai khống vì không hộ khẩu?
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Đặng Hoàng Chương ở thôn Quý Xuân 2, xã Bình Quý (Thăng Bình) cho biết: Năm 2005, thực hiện chủ trương “phủ xanh đất trống trồi trọc”, ông làm đơn xin kê khai trồng hơn 2ha cây bạch đàn và keo trên đất ông bà sử dụng để lại tại rừng Mít, được chính quyền và ngành nông nghiệp huyện xem xét, chấp nhận. Năm 2008, Nhà nước cho kê khai đất rừng, lập hồ sơ thủ tục để xét cấp bìa đỏ cho người dân ở tổ 19 thôn Quý Xuân 2. Ngày 3.3.2008, tổ đo đạc tiến hành khảo sát, xác lập hồ sơ thực tế diện tích sử dụng của ông Chương hơn 2,2ha, số thửa 533. Thế nhưng, ngày 6.3.2008, ông Phan Văn Sau - Chủ tịch UBND xã Bình Quý (nay là Bí thư Đảng ủy xã) ký vào giấy đề nghị kê khai đất rừng cho hai ông Đăng Xuân Huấn và Đặng Xuân Dũng (quê thôn Quý Xuân, xã Bình Quý, hiện sinh sống tại tỉnh Đắc Nông) cũng trên diện tích đất mà ông Chương đã kê khai. Ngày 15.12.2008, Hội đồng cấp xét đất của UBND xã Bình Quý họp xét thì thủ tục hồ sơ giữa ông Chương và hai ông Huấn, Dũng có tranh chấp. Từ đó đến nay, mảnh đất trên vẫn chưa được cấp bìa đỏ cho hộ nào. Ông Chương bức xúc: “Đầu năm 2013, gia đình ông Đặng Xuân Dũng đến chặt phá hàng nghìn cây keo do tôi trồng, thiệt hại gần 2 mẫu. Tôi có chụp lại hình ảnh làm bằng chứng, đề nghị chính quyền lập biên bản xử lý, nhưng năm lần bảy lượt lấy lý do đất tranh chấp nên không giải quyết đến nơi đến chốn”.
Ông Đặng Hoàng Chương tại rừng trồng keo của mình. Ảnh: T.H |
Theo ông Chương, sở dĩ chính quyền chậm giải quyết số keo của ông bị hai ông Dũng, Huấn phá hoại là do họ đã có giấy xác nhận đề nghị cấp xét đất do Chủ tịch UBND xã Bình Quý Phan Văn Sau ký nhưng đấy là “hồ sơ khống” để hợp thức hóa giấy tờ cho hai ông Dũng, Huấn. “Chữ viết của người làm đơn và UBND xã ký xác nhận là một. Lời xác nhận vào giấy đề nghị kê khai đất rừng của hai ông Dũng, Huấn phải là địa chính, chứ sao là Chủ tịch UBND xã? Trong hồ sơ, hoàn toàn không có ý kiến của nhân dân tổ 19, Ban nhân dân thôn Quý Xuân 2. Cả hai ông Dũng, Huấn không hề có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Ông Dũng định cư tại Đắc Nông năm 1986, còn gia đình ông Huấn đi kinh tế mới năm 1993” - ông Chương thắc mắc.
Cần giám định chữ viết
Ông Chương nhiều lần gửi đơn lên chính quyền xã đề nghị can thiệp nhưng chính quyền địa phương chậm giải quyết vụ việc. Chính vì thế, ngày 19.11.2014, ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ký văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Bình Quý vì không thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của UBND huyện về việc giải quyết vụ việc ông Chương và báo cáo kết quả giải quyết đơn thư theo thẩm quyền. Ngày 4.12.2014, UBND xã Bình Quý có Quyết định số 200/QĐ-UBND, nêu rõ do không đủ diện tích đo đạc nên đoàn đo đạc gộp diện tích đất rừng các chủ rừng lại thành một diện tích gồm nhiều hộ, trong đó có hộ ông Chương. Tháng 3.2008, khi kê khai không có ông Chương mà chỉ có ông Đăng Xuân Huấn và Đặng Xuân Dũng đứng tên kê khai. Sau khi có đơn của hai ông Dũng, Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Quý Phan Văn Sau lúc bấy giờ đã ký xác nhận đề nghị cấp xét đất. Tuy nhiên, việc đề nghị xét cấp bìa đỏ phải theo quy trình và có xác nhận từ tổ, thôn nhưng trong hồ sơ của hai ông Dũng, Huấn hoàn toàn không có. Hơn nữa, chữ viết trong đơn của người đề nghị cấp bìa đỏ và xác nhận của UBND xã Bình Quý lại do cùng một người viết.
Quyết định của UBND xã Bình Quý không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của ông Chương vì cho rằng nội dụng khiếu nại không đúng. Thanh tra huyện Thăng Bình đã vào cuộc xác minh và thống nhất việc trưng cầu giám định nét chữ xác nhận có chữ ký của UBND xã Bình Quý và nét chữ người làm giấy đề nghị. Nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao trước đây khi đo đạc các đơn vị chức năng phải gộp chung các chủ rừng lại mà không hề có sự rạch ròi trong việc xác định vị trí, ranh giới, tọa độ đất rừng của từng hộ? Rừng do chính ông Chương trồng bị người khác chặt phá gây thiệt hại kinh tế đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo? Hồ sơ, ký giấy xác nhận đề nghị xét cấp bìa đỏ của UBND xã Bình Quý trước đây có hợp pháp hay không? Thiết nghĩ, các ngành chức năng của huyện Thăng Bình sớm làm sáng tỏ những thắc mắc trên.
TRẦN HỮU