Hoàn cảnh đáng thương của một nghệ nhân tuồng cổ
Hoàn cảnh hiện nay của ông Lê Hai (75 tuổi, ở xóm 3, thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, Nông Sơn) - nghệ nhân tuồng cổ, thật đáng thương vì bị tai biến phải nằm một chỗ trong suốt những ngày tuổi già cuối đời của một nghệ nhân tuồng cổ yêu nghề ở đất Nông Sơn này. Ngày xưa, ông Hai là kép chính của Gánh hát tuồng ông Phó Hường. Tuy chỉ là gánh hát của làng, nhưng nhờ giọng hát và tài diễn xuất của ông cùng các kép, đào đã làm nên thương hiệu trong vùng một thời. Nhắc tới ông, ai cũng nhớ đến các vai diễn để đời trong các vở tuồng Đào Phi Phụng, Tam Hạ Nam Đường, Sơn Hậu, Thoại Khanh Châu Tuấn… rồi lại tặc lưỡi xót thương hoàn cảnh của ông bây giờ: nằm một chỗ, bại liệt nhiều năm qua mà vẫn yêu nghề tuồng cổ.
Ông Lê Hai hơn 4 năm nay nằm một chỗ. |
Từ nguồn tài trợ của Công ty CP Ô tô Trường Hải, Báo Quảng Nam trích tặng gia đình ông Lê Hai 3 triệu đồng. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: gia đình ông Lê Hai, xóm 3, thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; hoặc thông qua Phòng Công tác xã hội Báo Quảng Nam - 142 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam (Chủ tài khoản: Báo Quảng Nam; TK: 4200211000646 Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam, ghi rõ giúp đỡ gia đình ông Hai). |
Khi gánh hát tuồng của ông Phó Hường ngày trước tan rã, những đào kép trong vai diễn chuyển sang nghề làm ruộng, buôn bán, chăn nuôi… Hiếm ai còn quay lại nghề dù hơn một lần, ai cũng muốn sống được với nghề hát tuồng. Riêng ông Lê Hai, ngoài việc làm nông nhàn, buôn bán lặt vặt, ông làm ông tổng cho những đám tang, giỗ chạp, hội hè trong làng. Những người già ở Quế Trung bảo rằng, ai không biết tuồng cổ là gì, cả lớp trẻ nay không biết tuồng ra sao thì cứ nghe ông Hai hát điệu “Nam ai, Nam bình” đều phải khóc. Và ai cũng biết, ông phục vụ các đám tang trong làng với suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận” chứ không coi đó là nghề kiếm tiền dù gia đình ông rất nghèo. Hơn 4 năm nay, tất cả hội hè, đình làng ở Quế Trung đã vắng tiếng hát bi ai, trầm bổng của nghệ nhân tuồng cổ Lê Hai. Cơn tai biến khiến ông nằm một chỗ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Năm - người phụ nữ tảo tần một đời hiểu thấu cho lòng đam mê nghệ thuật tuồng cổ của chồng - suốt ngần ấy năm lặng lẽ chăm sóc ông. Trong vùng đất nhỏ hẹp ở xã Quế Trung, ông Lê Hai là người “nổi tiếng”, thế nhưng gia đình ông thuộc diện nghèo nhất làng. Mọi cưu mang giúp đỡ đều nhờ bà con, nhưng cũng không thể bù đắp nổi sự nghèo khó của gia đình ông. “Ông sống có nghĩa có tình với xóm làng lắm. Hội làng hằng năm, ông cùng với một số người tâm huyết tổ chức diễn tuồng cho bà con xem. Từ ngày ông lâm bệnh, thiếu vắng tiếng hát tuồng cũng nhớ lắm chú ơi…”- bà Trần Thị Bốn - người trong làng tặng cho vợ ông mấy ký gạo nói với tôi điều đó.
VÕ THỊNH