Phiên chợ đèn dầu
Le lói trong màn đêm đặc là những ánh đèn dầu, chỉ đủ để soi rõ những chồng nón còn thơm mùi lá. Phiên chợ nón đặc biệt lúc nửa đêm tại Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) dần dà trở thành một nét văn hóa riêng ở “xứ Nẫu”.
Khuất trong một con hẻm nhỏ, với tiếng là chợ, nhưng nơi đây lại không quá ồn ào. Phần vì họp vào đêm, phần vì người quê đã quen hiền hòa hồn hậu. Ở đó, người ta nói vừa đủ nghe, ánh sáng vừa đủ thấy, thứ nhiều nhất, chắc có lẽ là nón lá và tiếng cười.
Bà Phạm Thị Cảnh đã 62 tuổi, có hơn 40 năm “dự phần” vào đời sống của chợ đèn dầu đặc biệt này. Bà người xã Cát Trinh, gắn bó với nghề làm nón hàng chục năm, hầu như chỉ bán cho khách quen nên cũng bớt đi những mặc cả bán mua. Trước kia, hồi còn cơ cực, bà tự chằm nón mang ra chợ bán. Cuộc sống bớt vất vả khi con cái lần lượt lập gia đình, bà chuyển sang thu mua của các hộ làm nón, rồi buôn. Mỗi đêm, bà bán hơn 100 chiếc nón. “Cứ nửa khuya là soạn sửa hàng ra chợ. Riết rồi quen, hồi nào đau ốm hay bận chi không ra đây được là cứ bứt rứt nóng ruột, lạ thiệt” - bà Cảnh cười.
Dãy dài những chiếc đèn dầu khiến chợ nón Cát Tân mang màu huyền ảo riêng có, chưa kể cái cách họp chợ lúc nửa đêm cũng là điều khá đặc biệt mà nơi này còn giữ. Trước kia, ngoài Cát Tân, còn có thêm một chợ nón nữa là chợ Gò Găng (thị xã An Nhơn, Bình Định), nhưng về sau dần mai một, duy chỉ còn chợ Cát Tân níu giữ được những người cũ của nghề làm nón. Vừa bán nón, vừa bán nguyên liệu làm nón, những nụ cười của các bà, các mẹ dưới ánh sáng dìu dịu đèn dầu phủ lên màu dung dị cho một phiên chợ quê đặc biệt. Chợ của đèn dầu, của người cũ, của nón và của cả một miền ký ức…