Khi người có uy tín vùng cao được quan tâm...
Những năm qua, Quảng Nam triển khai khá đồng bộ và hiệu quả Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách chăm lo cho người có uy tín vùng dân tộc thiểu số, mang lại niềm tin cho đội ngũ người có uy tín trên toàn tỉnh, giúp họ tiếp tục cống hiến trong phát triển vùng cao.
Hàng tuần, ông Mạc Văn Min - người có uy tín ở xã Ba (Đông Giang) được cấp miễn phí 2 tờ báo Dân tộc phát triển và 3 tờ báo Quảng Nam. Qua hai nguồn thông tin chính thống này, ông Min đã nắm bắt kịp thời tình hình thời sự và những chính sách mới cho vùng đồng bào thiểu số, hay các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Từ những thông tin đã đọc, ông Min vận dụng vào việc tuyên truyền cho người dân trong thôn hiểu, làm theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, cũng như đóng góp tích cực trong xây dựng NTM.
“Để nói cho bà con hiểu về chủ trương xây dựng NTM thì mình phải phân tích được đúng, sai, thiệt, hơn, cái lợi lâu dài của việc hiến đất mở đường, làm nhà sinh hoạt văn hóa, đưa con em đến trường, đến lớp... Chiều nào mình cũng đến tổ đoàn kết để tuyên truyền, hướng dẫn...
Rồi bà con nghe theo, giờ thôn Tống Cói của mình đã thành thôn NTM kiểu mẫu của xã Ba rồi, vui cái bụng lắm. Có được kết quả đó, cũng nhờ đọc báo, nghe đài, xem tivi rồi đi hướng dẫn bà con” - ông Min nói.
Thực hiện Quyết định 12, Ban Dân tộc tỉnh và phòng dân tộc các huyện miền núi tổ chức nhiều hoạt động như thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, lễ tết truyền thống của các dân tộc thiểu số, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau… Sự quan tâm động viên kịp thời về mặt tinh thần, vật chất đã giúp người có uy tín có thêm động lực để tiếp tục ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Ông Hồ Văn Ly - người có uy tín ở xã Phước Mỹ (Phước Sơn) cho biết: “Vừa rồi tôi không may bị đau, nằm viện, Phòng Dân tộc huyện đã đến thăm, tặng quà của Trung ương, tỉnh, huyện, rồi động viên tôi sớm khỏi bệnh về với gia đình, bản làng. Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều như thế, tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong vận động con cháu đoàn kết phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Ông Min, ông Ly nằm trong số 402 người có uy tín trên địa bàn Quảng Nam được thụ hưởng chính sách cung cấp thông tin, thăm hỏi khi đau ốm theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ và tỉnh, năm 2023 này, Ban Dân tộc tỉnh còn tổ chức 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng… cho 300 người có uy tín.
Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh còn tổ chức nhiều đợt cho người có uy tín đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại 8 tỉnh thành trong cả nước như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai... về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.
Ông Zơ Râm Năng - người có uy tín xã Tà Bhing (Nam Giang) nói: “Việc được trang bị kiến thức hàng năm, rồi được đi tham quan học tập kinh nghiệm như thế này, sẽ giúp chúng tôi nắm và hiểu thêm được những đổi thay của quê hương, đất nước, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào thiểu số.
Điều này sẽ giúp chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết ở cộng đồng làng”.
Theo ông ALăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện Quyết định 12 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ người có uy tín. Từ đó, những già làng, người có uy tín phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, tập hợp.
Họ trở thành trung tâm đoàn kết, nòng cốt trong công tác vận động, hướng dẫn, trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, phản ánh với chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, hướng tới mục tiêu chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh một cách tốt nhất.