Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

D.L 30/09/2023 09:05

(QNO) - Tôi là người lao động tại công ty trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tôi muốn hỏi nếu đơn vị tôi đang làm việc chỉ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đến hết tháng 4/2023 thì chế độ ốm phát sinh trong tháng 5, 6/2023 có được giải quyết không? Và căn cứ vào văn bản nào?

Việc xác định ngành nghề nặng nhọc độc hại theo quy định danh mục ngành nghề của Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: D.L
Việc xác định ngành nghề nặng nhọc, độc hại theo quy định danh mục ngành nghề của Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: D.L

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật BHXH 2014: BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

- Theo khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, bạn đề nghị công ty thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP nêu trên, đóng đủ BHXH để bạn đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH theo quy định.

Hỏi: Tôi tham gia BHXH với chức danh công nhân so, sửa bán thành phẩm may công nghiệp được tính nặng nhọc độc hại, đến tháng 3/2021 theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH không thấy nằm trong danh mục nữa, nhưng bản chất công việc vẫn là làm việc trong môi trường bụi, nặng nhọc và tiếng ồn. Như vậy chức danh này còn được tính nặng nhọc độc hại không?

Trả lời: Việc xác định nghề, công việc nặng nhọc độc hại phụ thuộc vào các tiêu chí sau:

- Môi trường làm việc.

- Điều kiện làm việc.

- Những thứ tác động trực tiếp tới sức khỏe con người như tiếng ồn, hóa chất, thời tiết...

Xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại để người lao động được hưởng quyền lợi cao hơn về lao động và BHXH. Khi xác định phải căn cứ vào tên nghề, công việc thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành và đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc được mô tả kèm theo để xác định nghề, công việc tương ứng tại công ty có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hay không.

Hiện nay, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại được quy định tại Thông tư số 11/2020 của Bộ LĐ-TB&XH. Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại của người lao động và tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại đủ điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi lao động, BHXH phải đúng với danh mục theo Thông tư số 11/2020 nêu trên.

Như vậy, nếu công việc của bạn không đúng với danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành thì không được tính là công việc nặng nhọc, độc hại.

D.L