Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Tôi đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thân vào đầu tháng 7/2023 (trước đó người thân của tôi đã tham gia BHYT nhưng tạm dừng). Tôi xin hỏi, trường hợp này khi đi khám bệnh dùng căn cước công dân thay thế cho thẻ BHYT có được không (vì không xin được cấp mới thẻ BHYT)?
Trả lời: Hiện nay, có 3 cách thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh, gồm: dùng căn cước công dân gắn chíp, sử dụng tài khoản VNeID mức 2 và dùng ứng dụng VssID.
Cách 1: Người dân xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip tại cơ sở khám chữa bệnh, khi quét mã QR đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành.
Cách 2: Người dân có thể sử dụng thẻ BHYT đã được xác thực trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử mức 2) bằng cách mở cài đặt VNeID trên điện thoại di động sau đó đăng nhập tài khoản VneID.
Tiếp đó chọn mục "Ví giấy tờ" sau đó chọn "Thẻ BHYT"; nhập mã để xác minh người dùng và xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID cho nhân viên y tế.
Cách 3: Người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Theo đó, sau khi đăng nhập thành công, trên giao diện chính của ứng dụng VssID, người dân cần chọn mục "Quản lý cá nhân", tiếp đó chọn mục "Thẻ BHYT" và sau đó chọn "Sử dụng thẻ" hoặc "Hình ảnh thẻ".
Trong trường hợp nêu trên, người thân của bà có thể sử dụng căn cước công dân khi đi khám bệnh thay cho thẻ BHYT hoặc có thể dụng ứng dựng VNeID hoặc ứng dụng VssID.
Hỏi: Tôi có người nhà có giấy ra viện với chuẩn đoán: "Xuất huyết dưới nhện quanh thân não/ít máu tụ thùy trán phải, gãy cung tiếp gò má trái, chân đụng dập nhãn cầu mắt trái (S06.3)". Tôi đọc Thông tư 46/2016/TT-BYT ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì chỉ thấy S06 là có trong danh mục bệnh dài ngày, vậy BHXH Quảng Nam cho tôi hỏi người nhà tôi được chuẩn đoán S06.3 thì có được liệt trong danh sách bệnh dài ngày không?
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, trường hợp người nhà của bạn có giấy ra viện ghi chẩn đoán là "Xuất huyết dưới nhện quanh thân não/ít máu tụ thùy trán phải, gãy cung tiếp gò má trái, chân đụng dập nhãn cầu mắt trái (S06.3)" là thuộc trong danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.