Đà Nẵng quyết tâm thu hút đầu tư
TP.Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong “Năm tiếp tục đẩy mạnh đầu tư 2019” tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài (FDI) dù còn nhiều áp lực rất lớn.
Điểm sáng
Năm 2019 Đà Nẵng thực hiện chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, đề án về cơ chế, chính sách đặc thù, chính quyền đô thị, triển khai các dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư như: Đề án một cửa liên thông trong công tác chuẩn bị, cấp phép và quản lý dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp (KCN), Khu Công nghệ cao (CNC); Quy định mức tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất hàng năm trong Khu CNC; Chính sách hỗ trợ công nghiệp phần mềm, công nghiệp hỗ trợ,…
Đến nay, Đà Nẵng đã dọn mặt bằng 191 lô đất với tổng diện tích hơn 993.000m2 đủ điều kiện đấu giá, 331 lô đất hợp thửa và 65 dự án khác cũng được bổ sung tiêu chí, đấu giá đầu tư. Đặc biệt, địa phương thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, có nhiệm vụ giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Đồng thời rà soát 6 KCN diện tích 1.000ha, tỷ lệ lấp đầy 86%, còn hơn 109ha dành cho các nhà đầu tư; xây dựng Khu CNC hơn 1.100ha, tổng vốn đầu tư 8.800 tỷ đồng. Hiện Khu CNC có 400ha đất sạch đồng bộ cơ sở hạ tầng, thu hút được 17 dự án, trong đó có dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC (Mỹ) 170 triệu USD. Đưa vào hoạt động Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung 131ha giai đoạn 1; triển khai xây dựng cụm công nghiệp Cẩm Lệ 29ha; cụm công nghiệp Hòa Nhơn 24ha; khu nông nghiệp CNC Hòa Ninh 140ha và Hòa Phú 26 ha.
Đáng kể, năm 2019 Đà Nẵng tăng 4,5 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn 23 nghìn tỷ đồng. Lũy kế, đến nay Đà Nẵng có tổng số 30,4 nghìn DN, tổng vốn hơn 207 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong hai năm 2018 & 2019 thực hiện thu hút đầu tư, thành phố có 10 nghìn doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn 47,5 nghìn tỷ đồng.
Vượt qua thách thức
Năm 2019 một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Đà Nẵng đạt thấp so với kế hoạch (KH). Như chỉ số phát triển công nghiệp Đà Nẵng năm 2019 chỉ tăng khoảng 4% so với KH tăng 7%. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư quá chậm. Như dự án phát triển bền vững Đà Nẵng tổng vốn đầu tư 7.610 tỷ đồng, năm 2019 thực hiện 576 tỷ đồng, bằng 59% KH; dự án khu liên hợp thể dục - thể thao Hòa Xuân tổng vốn 498 tỷ đồng năm 2019 thực hiện được 22 tỷ đồng đạt 21% KH.
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng 2019 ước 40 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 2,3% (KH tăng 5 - 6%). Ngành du lịch tăng trưởng 18% lượng khách nhưng doanh thu lưu trú tăng chưa tăng tương xứng (9,4%), có phải chất lượng du lịch Đà Nẵng còn thấp, hay thất thu thuế? Hay do chính sách liên kết đột phá cho du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam thực tế vẫn chưa hiệu quả?
Việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu; công tác bồi thường giải tỏa, tái định cư có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Tình trạng xây dựng công trình trái phép vẫn chậm được xử lý; tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, bất cập trong thu gom, xử lý rác, nước thải, gây bức xúc cho nhân dân…
Theo ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, năm 2020 phấn đấu đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; triển khai có kết quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, trọng tâm là Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây, Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng quyết định chọn chủ đề năm 2020 Đà Nẵng “Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”; chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 9% là những áp lực rất lớn. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ tiếp tục rà soát, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tăng tốc thực hiện đối với các chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố.
Đồng thời tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng; xúc tiến các dự án trọng điểm và hỗ trợ đầu tư tại chỗ; cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp năng động,… tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, phát huy và thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.