Đằng sau những tấm huy chương
Hiểu được hành trình vươn lên chạm đến ước mơ và ánh sáng cuộc đời, tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực từ người phụ nữ ấy...
Chị ngồi tìm lại những bức ảnh chụp với mẹ, những kỷ vật của người thân trong gia đình, tôi vô tình thấy nhiều tấm ảnh chị trong màu cờ sắc áo của Việt Nam, trong đoàn người khuyết tật của Quảng Nam, tham dự các kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, các hội thao dành cho người khuyết tật…
Chị là vận động viên khuyết tật môn cử tạ, đã giành hơn 10 huy chương: huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc, huy chương Bạc tại Hội thi văn nghệ thể thao người khuyết tật toàn quốc, huy chương vàng cấp tỉnh… Chị là Nguyễn Thị Bích Đào - thương binh 1/4.
Truyền thống gia đình
Trước đây, chị Đào sống cùng với Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Mai, nay mẹ đã về trời cùng chồng và ba người con hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Con gái của chị đi lấy chồng xa, nên chị trở về sinh sống ở ngôi nhà khối phố 1, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ.
Ba chị - ông Nguyễn Trí, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với nhiệm vụ là Phó Bí thư Chi bộ xã Tam Dân, ông đã cùng Chi bộ lãnh đạo nhân dân tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền. Năm 1957, địch nghi ngờ, bắt giam, đánh đập, tra tấn dã man, nhưng không khai thác được gì ở người đảng viên kiên trung này. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động, năm 1969, trên đường đi công tác, bị trúng pháo địch và hy sinh.
Mẹ chị, bà Phan Thị Mai, vừa nuôi nấng 6 đứa con, vừa tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp và vận chuyển lương thực nuôi giấu bộ đội, du kích. Chiến dịch Mậu Thân 1968, bà hiến ngôi nhà đang ở để làm trạm phẫu thuật, cứu chữa thương binh. Khi nghe tin chồng hy sinh, dù đau đớn nhưng mẹ vẫn tiếp tục hoạt động giúp đỡ cách mạng, vận động các con lên đường tòng quân đánh giặc.
Chị Nguyễn Thị Mỹ, người con gái đầu tự nguyện gia nhập quân Giải phóng, năm 1968 chị hy sinh khi mới 18 tuổi. Trong năm 1972, một lúc hai người con trai của mẹ là anh Nguyễn Tuân và Nguyễn Kim Toàn hy sinh. Anh Nguyễn Kim Toàn là Chánh Văn phòng Thị ủy Tam Kỳ, sau này, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho liệt sĩ.
Rồi mẹ tiếp tục vận động người con thứ tư - chị Nguyễn Thị Bích Đào - mới 14 tuổi đã tham gia làm giao liên hợp pháp của thị xã Tam Kỳ. Nhiệm vụ của chị là chuyển tài liệu mật đến cho cán bộ lãnh đạo và ngược lại.
Đồng thời vượt qua được hệ thống đồn bốt của địch đóng dày đặc để giao nhận công văn an toàn. Tuổi trẻ mưu trí, dũng cảm, khéo cải trang, chị nghĩ ra nhiều cách để qua mắt địch, như bỏ tài liệu mật vào cá ngừ, ruột heo thúi... Hơn cả sự dũng cảm, đối với cô giao liên bé nhỏ ấy là lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng hy sinh cho quê hương.
Vượt qua tuyệt vọng
Nhiều lần vượt qua đạn bom để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chỉ còn mấy tháng nữa giải phóng Tam Kỳ, trong một lần đi công tác, chị bị địch phục kích, bị thương, cụt hai chân, nhiều ngón tay cũng bị mảnh bom, co quắp. Lúc đó chị cứ nghĩ, thà chết ở chiến trường, còn hơn thân thể bị tàn phế suốt đời.
Tuổi 17, 18 phơi phới, như con chim đang bay lượn trên bầu trời, tự dưng cuộc đời của mình gắn trên chiếc xe lăn, chị rơi vào tận cùng của sự tuyệt vọng… Nhưng rồi, trong những tháng ngày ở Trại thương binh nặng Hội An, chị nhìn xung quanh mình, người thì bị cụt cả hai tay, hai chân; người thì mù cả hai mắt, có người bị mảnh bom vào đầu, la hét, vật vã. Ngẫm nghĩ lại, chị thấy còn may mắn hơn nhiều người khác, còn có đôi mắt để nhìn thấy quê hương giải phóng, đất nước thanh bình, còn được đôi tay để mà ôm lấy mẹ.
Chị tự tin hơn, lạc quan với cuộc sống, hòa đồng với tập thể, gia đình thứ hai của chị - Trại thương binh nặng Hội An. Theo chính sách an dưỡng thương binh tại cộng đồng, năm 1985, chị về ở với mẹ tại quê nhà. Về quê, cảnh nhà lam lũ, những năm tháng ấy đất nước còn khó khăn, chế độ trợ cấp cho người có công còn hạn chế, nếu dựa vào đồng tiền thương tật, chế độ của người có công thì chẳng thấm tháp vào đâu.
Chị làm đủ thứ nghề, nuôi heo, may vá, buôn bán trước cổng trường… Các điểm vui chơi, nhà ga, bến bãi, ở đâu họ cũng quen mặt chị. Chỉ có vài năm trở lại đây, chị mới đón được cái tết ở nhà. Còn những cái tết của 30 năm qua là ở bến xe, nhà ga, rạp hát… Lúc đó, chỉ mong quê hương tổ chức nhiều sự kiện, trông đến lễ tết để người ta đi chơi thật nhiều, để mình buôn bán. Thân thể tàn tật, mà nuôi đến ba miệng ăn, nhận nuôi đứa cháu từ khi mới một tuổi về chăm dưỡng, dựng vợ gả chồng...
Chị đưa hai bàn tay vuốt nước mắt, đôi bàn tay của chị chai sần, bàn tay 10 ngón, bị thương mất 2 ngón, rồi xe nước mía “cắn” mất 2 ngón. Vậy mà đôi bàn tay ấy làm luôn cái việc cho đôi chân đã mất, hai cánh tay to bè như tay đàn ông nhưng nuôi cháu, nuôi con, chăm mẹ và làm bao nhiêu việc cho đời, mà người lành lặn chưa chắc đã làm được…
Hạnh phúc cuộc đời
Đối với một người bình thường, chọn một bộ môn thể thao để theo đuổi cũng không hề đơn giản. Bởi ngoài kỹ năng còn phải có đam mê, sự kiên trì. Thế nhưng, chị Đào lại chọn cử tạ và yêu thích môn thể thao ấy. Chị chia sẻ: “Là người khuyết tật, lại là thương binh, tôi luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn, thương binh tàn nhưng không phế. Tôi muốn chơi một bộ môn thể thao nào đó để đem lại niềm vui cho bản thân và mang về vinh quang cho quê hương đất nước, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con sau này”.
Niềm đam mê và sự khổ luyện không ngừng nghỉ, chị thường xuyên luyện tập, nâng những quả tạ đúc bằng bê tông mà mấy anh hàng xóm vẫn thường tập để rèn luyện sức khỏe.
Những ngày đầu mới tập, do chưa quen nên cơ thể đau nhức, bởi với người bình thường, muốn nâng được tạ thường phải lấy hai chân làm trụ. Khi tập luyện phải có người giúp đỡ, cơ thể không còn lành lặn để có thể hoàn thành nhiều động tác khó, nên cần phải có sự dẻo dai và sự hỗ trợ của cơ bắp toàn thân. Chị lại ngồi trên xe lăn, nhiều lần sơ sẩy, tay yếu nên quả tạ rơi xuống gây đau đớn.
Khó khăn là vậy nhưng chị không bao giờ bỏ cuộc, tiếp tục khổ luyện để có sức khỏe. Nhờ luyện tập thể dục thể thao đều đặn mà đôi tay ấy, nghị lực của con người ấy đã vượt qua những đau khổ cuộc sống, vững tin vào cuộc đời, truyền năng lượng cho người khác khi gặp chị.
Không biết duyên phận thế nào, mà đã hơn 40 tuổi chị lại được làm mẹ. Mẹ chị lúc ấy động viên, dù gì cũng phải có đứa con, sau này còn chăm tuổi già, mẹ thì không sống được với con trọn đời.
Thế là năm 1993, chị hạnh phúc khi được làm mẹ. May mắn là cuộc đời cũng cho chị một đứa con gái vừa ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi. Trong bức thư gửi mẹ ở lễ tri ân, cô bé viết: “Mẹ dạy mình phải có nghị lực vươn lên, lạc quan, yêu đời mà sống”. Khi nhắc đến đứa con gái của mình, mắt chị sáng lên, 12 năm đều là học sinh giỏi, đậu vào Trường Đại học Ngoại ngữ (TP.Hồ Chí Minh), ra trường và lập nghiệp trong Nam.
Bây giờ, hằng ngày chị vẫn buôn bán ở góc nhỏ chợ Tam Kỳ, không phải chỉ vì mưu sinh như trước đây, mà quan trọng là để gặp gỡ đồng đội, để vơi đi nỗi nhớ con, nhớ mẹ và chị vẫn lạc quan nghêu ngao bài ca “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Đời này, có nhiều câu chuyện như là cổ tích…