Đi tìm giao lộ tín dụng

TRỊNH DŨNG 07/11/2023 05:50

Ngân hàng không thiếu tiền, nhưng không dễ cho các doanh nghiệp tiếp cận. Giữa hai phía còn thiếu một giao lộ...

Ngân hàng không thiếu tiền nhưng doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.D
Ngân hàng không thiếu tiền nhưng doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.D

Doanh nghiệp than khó

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố dư nợ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế (gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 2% theo Nghị định số 31 ngày 20/5/2022 của Chính phủ) đã đạt gần 157 tỷ đồng. Tổng số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 1,2 tỷ đồng cho 14 khách hàng.

Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp dư nợ hơn 9,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% dư nợ cho vay trên địa bàn, tăng 1,69% so với đầu năm với 716 doanh nghiệp. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay đạt hơn 4,4 nghìn tỷ đồng; trong đó dự nợ cho vay mới chiếm 98,83% dư nợ chương trình và cơ cấu nợ thông qua chương trình chiếm 1,17%.

Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với nhiều phương thức hỗ trợ trực tiếp.

Đến cuối tháng 10/2023, tổng huy động tăng 1,3% so đầu tháng, tăng 10% so đầu năm (hơn 83 nghìn tỷ đồng). Dư nợ cho vay tăng 1,2% so đầu tháng, tăng 4,6% so đầu năm (hơn 102 nghìn tỷ đồng). Nợ xấu có hướng giảm (giảm 20,5% so tháng trước), nhưng vẫn còn ở mức cao (hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,36%).

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất, cho vay mới hay mở rộng room tín dụng của ngành ngân hàng được xem là liều thuốc giúp doanh nghiệp có cơ hội trụ lại thị trường, thay vì chấp nhận phá sản, dừng hoạt động vì thiếu nguồn lực tài chính. Thế nhưng, trong báo cáo về kinh tế của các địa phương, chuyện khó tiếp cận vốn vẫn là một trong 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện tại.

Những thông tin về doanh nghiệp đói vốn. Khá nhiều khách sạn, nhà hàng, bất động sản các loại của doanh nghiệp đã bị ngân hàng phát mãi thu hồi vốn. Tín dụng không thể tăng trưởng được, đẩy nền kinh tế địa phương sụt giảm đã khiến chính quyền sốt ruột.

Khảo sát của Cục Thống kê tỉnh cho thấy 95% doanh nghiệp địa phương đều nhỏ và vừa, có cả siêu nhỏ thì việc tiếp cận với các cơ quan tín dụng sẽ cực kỳ khó khăn. Tiếp cận vốn khó, doanh nghiệp “bó tay” trong việc mở rộng sản xuất là điều dễ hiểu (có đến 38% doanh nghiệp khảo sát cho biết thiếu tài chính).

Ông Phan Ngọc Minh – Chủ tịch CLB Doanh nhân trẻ Quảng Nam nói ngân hàng đánh giá lại tài sản thế chấp, hạn mức cho vay bị giảm theo (50%). Số còn lại doanh nghiệp không đủ năng lực để xoay xở trong ngắn hạn. Hạn mức tín dụng hạn chế, nợ bị đẩy lên nợ xấu, nên rất khó tiếp cận nguồn vốn

Thiếu giao lộ

Hệ thống ngân hàng Quảng Nam tuyên bố thừa vốn và sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tín dụng có tăng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hải Hà – Giám đốc Ngân hàng SHB Quảng Nam cho biết dư nợ huy động của SHB khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay chỉ hơn 600 tỷ đồng. Ngân hàng không thiếu tiền, nhưng lại thiếu những dự án kinh doanh hiệu quả để cho vay.

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế địa phương hiện rất kém. Hàng hóa sản xuất ra không bán được thì doanh nghiệp sẽ không vay làm gì. Còn doanh nghiệp vay tiền mà không thể tạo ra dòng tiền mới để trả nợ thì làm sao ngân hàng có thể cho vay được.

Ngân hàng “ế” vốn, tìm nhiều cách để giải ngân thông qua các gói ưu đãi lãi suất để đạt tăng trưởng tín dụng, nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn cứ than phiền khó tiếp cận?

Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói hiện tại sức cầu của nền kinh tế giảm. Sức khỏe doanh nghiệp đã bị bào mòn tài chính sau hai năm, yếu nhu cầu mở rộng hay tái sản xuất, kéo theo việc đảm bảo cho việc thực hiện dự án nên sẽ khó vay vốn.

Theo ông Trọng, lãi suất cho vay hiện tại đã giảm khá nhiều, hợp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường nói chung chung là khó tiếp cận vốn, không nói cụ thể vì lý do gì (lãi suất hay thủ tục hành chính). Cái doanh nghiệp thiếu là thiếu điều kiện vay vốn nên tiếp cận khó khăn.

“Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng không cho vay được thì cả hai đều không thể phát triển. Nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn mà không vay vốn được hoặc bị các ngân hàng thương mại gây khó khăn thì điện ngay cho giám đốc hay đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, sẽ được giải quyết ngay” - ông Trọng nói

Có thể hiểu “điều kiện” ở đây chính là tài sản thế chấp, không nợ xấu và cả uy tín doanh nghiệp. Thế nhưng, theo thương giới, hiện tại số doanh nghiệp bảo đảm đúng yêu cầu của ngân hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hầu hết doanh nghiệp đã cạn kiệt sinh lực khi phải đối mặt khó khăn trong suốt một thời gian dài, không thể vượt nổi “cửa ải điều kiện vay vốn” để tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành nói ngân hàng cứ vin vào điều kiện để bảo vệ tính an toàn của hệ thống thì có giảm lãi suất xuống 2% hay 3%, cũng không ai vay được. Quan trọng là có cơ chế tháo gỡ, giải quyết bài toán điều kiện vay vốn.

“Không cần ngân hàng hạ lãi suất bao nhiêu mà cần tháo điều kiện, tạo cơ chế dễ thở cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng mới là việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hợp lý trong giai đoạn này” – ông Bảo nói.

Doanh nghiệp kiệt sức, ngân hàng yêu cầu điều kiện. Hai phía giống như một con đường song song, không giao lộ!

TRỊNH DŨNG