Hành động vì bình đẳng giới: Vị trí của truyền thông...
Một chiến dịch truyền thông cao điểm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới đã bắt đầu từ giữa tháng 11 ở khắp các địa phương. Như một mảnh ghép ở vị trí quan trọng trong bức tranh về quyền của phụ nữ và trẻ em gái, vai trò của thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực này không chỉ cần đúng, đủ mà còn phải có sự thấu cảm...
Năm 2021, Quảng Nam ban hành Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025; trong đó đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật có liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được xem có vai trò rất quan trọng. Các hình thức tuyên truyền hướng tới đặc thù của từng khu vực, từng nhóm đối tượng.
Điều đặc biệt, không chỉ hướng tới nhóm phụ nữ và trẻ em gái, những cuộc tuyên truyền về bình đẳng giới cũng như các hoạt động liên quan về giới lại chú ý đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực cũng như xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội, bao gồm những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em trai, thanh niên. Ở mỗi vùng, tùy theo tập tính sinh hoạt, sẽ phải nghiên cứu để có cách thức truyền thông tốt nhất.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Quảng Nam liên tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động, hình thức truyền thông nhằm thay đổi hành vi, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cộng đồng, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ và trẻ em gái ở mọi vùng miền.
Tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, dễ dàng nhìn thấy những sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Từ các tờ gấp, sách mỏng, sổ tay cho đến những thông điệp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được giăng ở những nơi tập trung đông dân cư. Quảng Nam cũng đã đi vào vận hành Tổng đài Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam (18001581) và ban đầu xây dựng mạng lưới hỗ trợ từ cộng đồng...
Tuy nhiên, đại diện các tổ chức hội, sở ban ngành cho rằng, có khá nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo hành được biết tới sau khi báo chí phản ánh. Vậy làm thế nào để báo chí truyền tải được thông điệp về bình đẳng giới cũng như không mắc phải chuyện sa đà vào các tình tiết, biết cách cân bằng về hàm lượng thông tin, sử dụng đúng ngôn ngữ đối với hành vi vi phạm cũng như một số vấn đề nhạy cảm khác...?
Điều này đặt ra câu chuyện về sự chọn lọc thông tin, hiểu biết về chính sách pháp luật cũng như sự thấu cảm đối với mỗi trường hợp cụ thể... Và cũng đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực để đưa được thông điệp về ứng phó và xóa bỏ rào cản về giới giữa cơ quan truyền thông báo chí và các tổ chức xã hội, sở ban ngành...