Bảo tồn văn hóa trong trường học

PHÚ THIỆN 19/09/2023 09:17

Xác định văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sự phát triển của thế hệ trẻ, ngành giáo dục huyện Nam Trà My đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong nhà trường.

Các trường học ở Nam Trà My chú trọng bảo tồn văn hóa trong quá trình học tập. Ảnh: P.T
Các trường học ở Nam Trà My chú trọng bảo tồn văn hóa trong quá trình học tập. Ảnh: P.T

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam, với hơn 90% học sinh là người đồng bào Xơ Đăng, do đó, ngoài tập trung giáo dục kiến thức, nâng cao thể chất, trí tuệ cho các em, nhà trường còn chú trọng giáo dục về văn hóa bản địa.

Ông Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đưa văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vào trường học là hết sức cần thiết, do đó hằng năm nhà trường đều có kế hoạch riêng để thực hiện việc này.

Theo ông Chín, mỗi năm học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như văn nghệ dân gian, khuyến khích học sinh thể hiện các làn điệu dân ca, múa cồng chiêng, các hoạt động ngoại khóa biểu diễn nghề truyền thống, thi các trò chơi dân gian.

“Toàn thể phụ huynh học sinh và nghệ nhân, các bậc cao niên am hiểu về các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, trò chơi dân gian trên địa bàn xã được mời đến để truyền đạt cho học sinh.

Việc này tạo điều kiện để học sinh toàn trường được giao lưu học tập, tham gia tìm hiểu và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình nói riêng và các dân tộc trong xã, trong huyện nói chung” - ông Chín nói.

Xuyên suốt các năm học, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Nam Trà My liên tục được thể hiện năng khiếu của bản thân thông qua việc tham gia các chương trình do trường tổ chức.

Trong năm học vừa qua, nhà trường đã hướng các em đến nhiều hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, trong đó điểm nhấn là tổ chức các hội thi ẩm thực, nấu các món ăn truyền thống (cơm lam, bánh sừng trâu, thịt nướng trụi, ốc đá rau ranh…); mở lớp học múa cồng chiêng và tổ chức hội thi giữa các lớp với nhau.

Ông Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đặt mục tiêu sau 4 năm theo học, các em nữ ít nhất có thể múa được 4 điệu múa cồng chiêng căn bản, các em nam có thể đánh được cồng chiêng. Khi đã tạo được một lực lượng nòng cốt sẽ tiếp tục phát triển thành lễ hội cồng chiêng hằng năm.

Ông Luận chia sẻ: “Hiện nay, các thiết chế văn hóa của đồng bào vùng cao Nam Trà My đã có dấu hiệu mai một, phần lớn giới trẻ đã không còn mặn mà với văn hóa cha ông, do đó nguy cơ văn hóa bị biến tướng, mất gốc là rất lớn.

Nếu không có những động thái ngay từ bây giờ sẽ không có cơ hội trong tương lai. Để hiện thực hóa mong muốn đó, nhà trường đã mời hai nghệ nhân múa cồng chiêng trực tiếp hướng dẫn cho các em. Kết quả sau hơn một tháng được truyền đạt, mỗi tập thể lớp đã có thể dựng và biểu diễn đánh, múa”.

PHÚ THIỆN