Gốc tre kể chuyện
Một trận lụt lịch sử đưa các gốc tre đến với nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ là duyên cớ để anh gắn bó, tạo lối đi riêng trong phát triển nghề mộc Kim Bồng.
Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân ấy, từng gương mặt mồn một hiện lên trên mỗi gốc tre khô. Bóng chiều như lẩn khuất vào các thớ tre, theo những đường tạo tác của người nghệ sĩ. Để ý sẽ thấy Huỳnh Phương Đỏ chỉ toàn tâm tập trung theo các hình tượng phác thảo trong đầu, theo các nét lia của đục là thần thái sắc nét của những bức chân dung.
Từ niềm tâm giao
Huỳnh Phương Đỏ bỗng ngước mắt nhìn lên như linh tính đã báo hiệu điều gì quen thuộc. Đôi mắt anh đột nhiên tinh anh hẳn, cái miệng nhoẻn cười tươi rói. “Gương mặt anh không khác mấy dù hàng chục năm đã đi qua. Tôi vẫn đọc thấy nét lấp lánh tài hoa trong những đường đục đẽo của anh”- người khách nói ngay khi gặp ánh mắt của anh. Nhận xét đó là của Edwin Palmer.
Nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi, Edwin Palmer không hỏi anh Đỏ về tôi mà kể câu chuyện dài, ngỡ như tôi cũng là niềm thân thuộc gắn bó với anh vậy. Edwin Palmer đến từ Anh quốc. Anh hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đi đến nhiều nước trên thế giới để nắm bắt các hoạt động chuyên ngành.
Du khách ngoại quốc đi từ ngạc nhiên đến sững sờ khi ngắm các tượng tre. Nhiều người nghĩ rằng, gốc tre là đồ bỏ đi, lại phải tốn công sức xử lý để tránh tác động không tốt đến sinh thái. Vậy nhưng, các gốc tre qua đôi tay của anh Đỏ lại kể những câu chuyện ý vị.
Lần đó anh Đỏ trả lời là chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi Edwin Palmer hỏi về bức tượng với đôi mắt biết nói sau cặp kính dày. Những nét đục vào gốc tre tạo hình Trịnh Công Sơn được Edwin Palmer cảm nhận là một nhạc sĩ với những bản nhạc chứa chan tình nhân thế nhưng cô đơn trong đời sống xã hội.
Để rồi Palmer ngộ ra người nhạc sĩ đó bao giờ cũng phảng phất nỗi u buồn, luôn tiếc nhớ thời quá vãng, đi tìm không gian xa thẳm nhưng gần gụi và đầy khắc khoải. Phải rồi, người Việt tâm niệm “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” nên gốc tre cũng kể những câu chuyện đầy linh hồn.
Khi sang Việt Nam, Palmer biết người Hội An rất thân thiện và khi ngồi với anh Đỏ hơn 10 năm trước, anh biết là mình đã gặp được tri kỷ. Sự hồn hậu, chất phác, dí dỏm và chân thật của anh Đỏ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong Palmer nên hơn 10 năm qua, anh luôn tìm cách gặp lại anh Đỏ.
Từ niềm cảm giao rất riêng của họ, anh Đỏ đưa Palmer đi tìm hiểu về nghề mộc Kim Bồng. Ngôi làng vẫn giữ lại những nét ban sơ thuở đầu dù đô thị hóa ngày càng lan rộng khắp Hội An khiến Palmer kinh ngạc.
Palmer tỉ mỉ chiêm ngưỡng sản phẩm của Kim Bồng từ các loại đồ gia dụng, tủ thờ, các loại đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ lưu niệm, các sản phẩm sơn son, thiếp vàng... Người khách đến từ Anh quốc ấn tượng sâu đậm với tính cân đối, hài hòa trong bố cục tạo tác sản phẩm mộc, nhất là các chi tiết gỗ được chạm, khắc, cẩn rất công phu, tinh xảo.
“Mềm mại, lộng lẫy gợi nhắc những huy hoàng” là những từ Palmer nhắc đi nhắc lại suốt thời gian khám phá nghề mộc Kim Bồng - nơi đã đào tạo nên nhiều nghệ nhân tài hoa và anh Đỏ cũng là phần không thể thiếu.
Thương hiệu nghề mộc Kim Bồng rồi các bức chân dung về Nguyễn Du, Nam Cao, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Tuân, Hàn Mặc Tử... trong tạo tác của anh Đỏ theo bước chân của Palmer đã đến nhiều quốc gia trên thế giới và để lại dấu ấn sâu đậm.
Sự ngẫu nhiên đã dẫn dắt câu chuyện thâm giao đến mức Palmer đúc kết về bạn mình: “Dòng máu nóng trong con người Đỏ đã quyết định những khát khao luôn cháy bỏng để rồi tài hoa đã dẫn dắt anh đi trong cuộc đời bằng những nét đục đẽo, chạm khắc tinh tế”. Và lạ lùng thay, câu chuyện tôi ghi về anh Đỏ chủ yếu là qua lời kể của Palmer còn anh ngồi đó thi thoảng gật đầu: “Ừ, đúng rồi”.
Vun đắp nghệ thuật điêu khắc
Huỳnh Phương Đỏ sinh năm 1973, lớn lên ở ngôi nhà 26 Bạch Đằng, TP.Hội An. Tuổi thơ với những ngày tháng cơ cực khiến tính cách anh rất mạnh mẽ. Năm 15 tuổi, anh theo học nghề điêu khắc gỗ ở làng mộc Kim Bồng.
Ra nghề, anh lập gia đình nhưng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ không thể đảm bảo cuộc sống. Anh bươn chải gánh gồng bán hến, bắp luộc, bánh chưng tận Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ bằng xe đạp.
Ông trời không phụ người có tâm, trận lụt lớn đã đưa những gốc tre đến sát cửa nhà anh như một tín hiệu thôi thúc. Từ đó, anh mày mò rồi chuyên tâm điêu khắc gốc tre thay gỗ để bán cho du khách tìm kế sinh nhai qua ngày.
Dần dà du khách đến với Hội An ngày càng đông, các chân dung đủ kiểu loại, hình tượng từ gốc tre bán chạy giúp anh Đỏ dành dụm xây ngôi nhà khang trang ở Cẩm An và nuôi con ăn học nên người.
Nói như Palmer: “Tôi để những gốc tre của Đỏ kể chuyện ở nhiều quốc gia mình đi qua với mong ước mọi người đều thấy rằng bằng tâm huyết và tài hoa, con người có thể chinh phục được mọi giới hạn”.
Giá trị của những bức tượng điêu khắc từ gốc tre của Huỳnh Phương Đỏ đã được chứng thực ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Trang Oddity Central của Rumani với tiêu đề “Nghệ nhân Việt khắc gốc tre thành tượng đẹp” đã viết về anh với những lời văn thán phục và gọi những tác phẩm độc đáo của anh Đỏ là “độc nhất vô nhị”.
Trang Kỷ lục Việt Nam đề xuất lập kỷ lục cho Huỳnh Phương Đỏ là nghệ nhân chế tác gốc tre nghệ thuật nhiều nhất. Anh Đỏ tâm sự, để chế tác được những tác phẩm có thần thái đặc sắc, người nghệ sĩ cần phải có óc sáng tạo phong phú, tận dụng triệt để đường nét tự nhiên hấp dẫn vốn có của gốc tre.
Để tác phẩm có chiều sâu, ngoài kiến thức lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân phải chịu khó, mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm, chấp nhận thất bại để có thành công với các sáng tạo ưng ý.
Các cơ quan của Hội An đã chỉ dẫn để Huỳnh Phương Đỏ tiến hành các thủ tục xác lập nhãn hiệu độc quyền cho các tác phẩm chế tác từ gốc tre nhưng anh từ chối bởi cho rằng người khác khó bắt chước và tác phẩm đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, bạn bè trong và ngoài nước đón nhận.
Anh Đỏ cũng đã khước từ ghi nhận các sáng tạo của mình là sản phẩm OCOP vì anh không muốn bán các tác phẩm nghệ thuật như hàng hóa đơn thuần trên thị trường.
Anh Đỏ hiện có 5 học trò, có người theo anh đã 15 năm qua nhưng anh chưa cho ra riêng mở tiệm. Anh muốn các học trò của mình theo đuổi nghề nghiệp với đam mê và miệt mài hơn nữa để có thể chế tác, sáng tạo nên các tác phẩm đạt đến chân, thiện, mỹ.
“Tôi muốn các học trò để gốc tre kể chuyện về tình yêu cuộc sống với lát cắt sinh động nhất có thể. Dẫn dắt của các gốc tre phải từ chiều sâu gốc rễ văn hóa bền vững. Mà đó là “riêng có” của Hội An, của Quảng Nam vậy” - anh Đỏ chia sẻ.
Thời gian sương phủ. Palmer ở lại với anh Đỏ quãng ngắn rồi về nước theo những dự án về môi trường của mình và không quên nhắn nhủ sẽ tiếp tục quảng bá những công trình tạo tác đắm say của người nghệ sĩ điêu khắc trên gốc tre - để những gốc tre kể câu chuyện của riêng nó!