Giữ "mạch máu" thông tin
Trong tiến trình lịch sử, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin, cán bộ công nhân viên ngành bưu điện, viễn thông Quảng Nam - Đà Nẵng đã tận tâm, tận lực, vào sinh ra tử, cống hiến trí tuệ, tài năng và xương máu của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Ký ức giao liên
Một sáng cuối tuần đầu tháng 8, tôi có dịp gặp, trò chuyện với ông Huỳnh Thế Vân - nguyên cán bộ giao bưu Quảng Nam thời kỳ chống Mỹ, hiện sống ở TP.Tam Kỳ. Ngược dòng lịch sử, ông Vân cho biết, những năm 15, 16 tuổi, khi đang học trung học ở Tam Kỳ, ông được những người hoạt động cách mạng giao nhiệm vụ chuyển pin (dùng cho đèn pin - PV) mỗi lần về quê ở xã Tam Hòa (Núi Thành).
Đến năm 1965, tổ chức sợ nhiệm vụ bị lộ nên đã đưa ông Vân đi “thoát ly”. Ban đầu ông về Huyện đội Nam Tam Kỳ, sau đó được chuyển qua lực lượng giao bưu Quảng Nam với nhiệm vụ đưa thư từ, công văn, dẫn đường cho cán bộ…
Những năm tháng “ăn núi, ngủ rừng”, ông Vân cùng đồng đội không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Ông kể, hồi đó Ban Giao bưu Quảng Nam đóng ở vùng Tiên Lãnh (Tiên Phước), gần với cơ quan Tỉnh ủy. Dọc núi rừng Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức được đặt nhiều trạm giao bưu, có trạm dựng lán trong rừng, có nơi mượn nhà dân để làm việc.
“Mỗi khi nhận nhiệm vụ là chúng tôi lập tức lên đường không quản ngày đêm, mưa nắng. Do quãng đường xa, địa hình khó khăn nên nhân viên giữa trạm này với trạm kia thường hẹn nhau ở một địa điểm trao túi thư rồi quay về. Nếu nhân viên trạm kế tiếp không có mặt thì cứ thế phải đi tiếp. Một túi thư chuyển từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi phải qua 5 - 7 trạm như vậy” - ông Vân kể.
Ngoài chuyển thư từ, công văn giấy tờ, nhân viên giao bưu thời chiến còn có nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ. Cán bộ tỉnh muốn đi Quảng Ngãi hoặc xuống huyện, hay cán bộ từ miền Bắc về, phần lớn phải qua giao bưu dẫn đường. Mỗi khi dẫn đường, nhân viên giao bưu luôn đi trước hàng chục mét, để phòng khi bị địch phục kích thì cán bộ đi phía sau nghe động mà ứng phó, đảm bảo an toàn.
“Người giao bưu trên đường công tác luôn đối diện nguy hiểm. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi chùn bước, khi đã nhận nhiệm vụ thì ai cũng phải cố gắng hoàn thành. Có lần, trên đường công tác, vừa chui ra khỏi đám lau thì tôi chạm mặt 2 tên lính Mỹ. Chưa kịp phản ứng, chúng đã nổ súng, một viên đạn trúng chân, tôi cố chạy, lết vào rừng để trốn. Chúng sử dụng cả chó nghiệp vụ lùng sục, may mắn tôi thoát được, sau đó đồng đội cõng về trạm xá điều trị” - ông Vân nhớ lại.
Những hy sinh thầm lặng
Theo Ban liên lạc Giao bưu - thông tin liên lạc và hưu trí Bưu điện, Viễn thông Quảng Nam - Đà Nẵng, trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lực lượng giao bưu, thông tin liên lạc hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà đã đánh 550 trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều tên địch để bảo vệ cơ sở, mở đường, đưa đón cán bộ, bộ đội, dân công.
Đồng thời đặt 130 trạm giao liên trên tất cả cung đường, vượt qua hàng triệu ki-lô-mét để vận chuyển, phân phát 22,2 triệu công văn, tài liệu, báo chí và 20,3 triệu lá thư; đưa đón 540 nghìn lượt cán bộ, bộ đội đi công tác; vận chuyển 3.350 tấn vũ khí các loại...
Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngành giao bưu, thông tin 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà có hơn 615 đồng chí hy sinh (phần lớn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ); hàng nghìn người bị thương tật và nhiễm chất độc da cam. Sự hy sinh to lớn và nỗ lực phi thường đó không gì có thể bù đắp được.
Trong nhiều câu chuyện minh chứng cho tinh thần anh dũng, hy sinh của lực lượng giao bưu - thông tin liên lạc Quảng Nam, Đà Nẵng, không thể không nhắc đến hình ảnh nữ chiến sĩ giao bưu Huỳnh Thị Nhuận (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình), người đã lao thẳng ra cửa máy bay trực thăng của địch để bảo vệ bí mật thông tin - công văn mang ký hiệu “ĐLT” của Tỉnh ủy Quảng Nam. Liệt sĩ Huỳnh Thị Nhuận được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 11/2000.
Ông Đặng Đình Cơ - Trưởng ban liên lạc Giao bưu - thông tin liên lạc và hưu trí Bưu điện, Viễn thông Quảng Nam - Đà Nẵng nói, lực lượng giao bưu, thông tin liên lạc là những con người thầm lặng.
Trong kháng chiến, họ đã dựa vào đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng ăn, cùng ở, cùng hòa mình với các phong tục tập quán của đồng bào; xâu tai, cà răng, đóng khố, làm nương rẫy để hoạt động cách mạng, giữ đường dây liên lạc thông suốt trong mọi hoàn cảnh.
Năm 1998, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, công nhân viên và lực lượng giao bưu, thông tin liên lạc Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhiều cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại... Công sức và máu xương của những chiến sĩ trong ngành đã đổ xuống khắp mọi cung đường của Tổ quốc, thấm vào từng công văn, bức điện gửi ra tiền tuyến vì sự nghiệp đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc.