Huyền sử rừng, khi quá khứ đã hết… nhiệm kỳ
(VHQN) - Chỗ chúng tôi và già ZơRâm Năng (thôn A Liêng, xã Tà Bhing, Nam Giang) ngồi, là góc sân um tùm cây. Ông già “phi lộ” một tràng dài chuyện chủ trương chính sách bảo vệ rừng, khi rừng trước đây bị tàn phá rất nhiều, như KHựng người lại khi tôi hỏi: “Có còn ma rừng không?”.
Nuôi dưỡng đức tin thanh sạch
Hình như niềm kính ngưỡng rừng, quy lại là nỗi sợ ma rừng, nên những câu chuyện về rừng của họ, luôn đi kèm con ma hay những biến hóa khôn lường của thần thánh trời giàng khoác chiếc áo con vật hay trái cây nào đó.
Truyện cổ miền núi đậm đặc chuyện đó. Vì thế mới có cây thiêng, con nước thiêng, con đá thiêng, con vật thiêng… Không lạ, thuở hoang sơ, phận người nhỏ nhoi trong ánh chớp của sét đánh chiều tà, cơn lũ quét bất thần nửa đêm, tiếng kêu rạng sáng của con chim mang thông điệp cái chết. Nỗi sợ, vô hình trở thành chiếc khiên bảo vệ rừng không gục đổ trước lòng tham…
“Còn chứ - giọng cao trào bỗng trở về thanh bằng nhanh như chớp, ông già khoác tay chỉ bên kia núi - mấy người đi bên rừng Sông Thanh kể có người nói chuyện trong cây. Ở đó có cây Pla, mủ nó rất độc, chỉ cần cái vỏ bằng tăm hương mà đốt lên, hít phải, là chết hàng loạt, không chữa được đâu”. Tôi hỏi: “Có rừng nào bây giờ không dám phát cây không?”. “Có, cũng xã này thôi, người ta thấy có cây Pla nên không dám đến khu vực đó”.
Khi rừng còn giữ nguyên vẹn, thì mạch máu huyền sử vẫn còn. Khi những cánh rừng nguyên sinh mất đi, thì văn hóa rừng chỉ còn trong ký ức.
Đặt móng rồi nuôi dưỡng đức tin thanh sạch, thiêng liêng, là điều không dễ, càng không phải là ở những lễ hội với nghi thức cúng rừng tái hiện giữa sân gươl hay sân khấu, mà nó phải đi ra từ tâm, giao hòa trong một không gian thiêng - ở đó con người đặt cược lòng tin và nỗi tha thiết được mưu sinh trong may mắn bình yên.
Già Zơrâm Năng kể: “Cách đây 20 năm, hồi ông già bố còn sống, khi chuẩn bị phát rẫy, mình bắt heo vài gang tay, khiêng vào chỗ mình làm rẫy, cúng xin lúa tốt, đừng làm dân ốm đau. Khi thu hoạch lúa xong cũng cúng tạ ơn trời, cái gì muốn trời cho thì phải xin”. Giọng ông già rời rạc, như quãng nhớ đứt đoạn trong tiếc nuối lẫn bất lực, sau khi ngập ngừng trả lời “chừ không ai cúng nữa”.
Rồi như muốn minh họa cho một quãng sống thiêng, ngập mình trong sương mù của đức tin mà thời đó lúc đó rừng sạch biết bao, xanh biết bao và giàu có biết bao, ông già huơ tay, giọng như sợ sệt: “Cách đây 40 năm, ngay thác Grang (xã Tà Bhing) có hai người yêu nhau. Họ ở đó giữ thác, nên mới có con cá chiên to bằng nửa vòng ôm. Có họ, thác đẹp, sạch, rừng không ai dám phá. Sau đó họ chết. Mấy ông già nói do không cúng đàng hoàng vì họ thành thần thác rồi, nên năm nào cũng có người lên chơi mà chết do đá rơi trúng đầu”.
Huyền sử đã tàn phai
“Bố còn nhớ nhiều chuyện không?”. Tôi hỏi và nhìn ông, đã hơn 70 tuổi rồi, được xem là người hiểu biết nhiều ở chốn này, khi nhận được cái lắc đầu từ ông, thì tôi đoan chắc, những mặc định lâu nay khi quá khứ huyền sử tàn phai hết... nhiệm kỳ, là điều chắc chắn.
Sẽ còn lại gì khi những người già đã mang đi về cõi khác niềm thành kính thiết tha một đời sống mà con người cần thức nhận sâu sắc, rằng lớp sương mù huyền thoại đó, đừng tưởng nó vô nghĩa, mê tín, mà chính nó đã tạo dựng một hiệu ứng vô thức từ cộng đồng để giữ những cánh rừng nguyên sinh?
Cơn lốc phá rừng đi kèm những thất bại ghê gớm của tri thức bản địa trước những chiếc máy cưa bạo tàn, khiến mọi thứ lui vào xa xăm. Rằng, ngày trước cái nhà này đây, nền là cây cổ thụ, tôi làm nhà phải cúng xin thần linh trong cây cho làm, đừng làm tôi đau ốm, khó khăn.
Rằng, mấy ông già nói lại là rừng ma nhiều lắm, họ cũng đi lại ca hát nói năng như mình. Rằng, hồi trước lấy mật ong cũng phải cúng, bởi mật ong do chim hoa là của thần cho, rồi cũng không được bắn gấu, bởi truyện cổ Cơ Tu vùng Nam Giang này có chuyện Bố Gấu nuôi hai đứa trẻ bị thất lạc bằng chính mật ong gấu nôn. Rằng, hồi trước chim chóc, mang, nai, cây cổ thụ đầy, giờ mất sạch bách rồi…
Những tiếp đầu ngữ “rằng” đi ra từ giọng buồn bã và ánh mắt đã đục của ông già, nối nhau từ cây đến chim từ ông già, nghe xót xa như thân cây đổ gục. Biết làm sao được. Những bếp lửa nhà sàn bây giờ lấy đâu ra những rầm rì chuyện cũ.
Thời gian đã mất, muốn tìm nó, may ra còn có những vùng heo hút, ở đó khi mọi thứ chưa bội nhiễm, khi rừng còn giữ nguyên vẹn, thì mạch máu huyền sử vẫn còn. Nhưng tìm được bao nhiêu, chưa nói để đáp ứng cho chuyện gì đó, có người kể chuyện “cải biên”, thêm thắt để hợp màu, cũng chỉ để nói mà nói thôi, khi ông già nói rằng “bọn trẻ bây giờ không biết sợ, bố nói thì chúng nó không tin”.
Giấc mơ vỡ
Làm sao người trẻ tin được, khi rừng không thể nuôi và không được họ sở hữu, cũng không mê hoặc được họ bởi vô vàn những sắc màu lộng lẫy hàng ngày chiếm hữu. Tôi về thị trấn Thạnh Mỹ, hỏi chuyện Bnước Bước, người Cơ Tu ở làng Mực, Bước cười chua chát: “Tụi em cũng sợ cây đa, cây sanh, nhưng người nơi khác tới đốn hết rồi, họ làm cây cảnh. Quán cà phê thị trấn cũng của người đồng bào đấy, cây sanh quá trời. Ai sợ nữa đâu. Ở làng Dung có một tảng đá lớn có tới 11 dấu chân của 11 con thú nằm trên một con suối, tụi em đi rừng không dám ngang qua đó, dù thấy có cá chình, rùa ở đó.
Người già nói ngày xưa suối này rừng này cây nhiều, suối sạch vì thần thú thần chim in dấu ở đá đó, ai đụng vô là chết. Nhưng người nơi khác tới săn bắt, chặt cây, họ có sợ đâu. Rắn hổ mang, diều hâu cũng sợ, nhưng mình sợ mà người ta cứ bắt, rồi có chết ai đâu...”.
Giấc mơ rừng đã vỡ vụn. Lẽ đương nhiên rồi, khi những cánh rừng nguyên sinh mất đi, thì văn hóa rừng chỉ còn trong ký ức. Tôi, dù không phủ nhận việc tuyên truyền giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương, nhưng giá trị từ việc này đưa lại, như nước chảy chân cầu, bởi một khi chưa gắn liền với sự tồn vong của chính họ, thì mọi lời nói đều vô ích.
Duy nhất là giữ rừng trong một không gian sống, mà ở đó, người dân sống tốt nhờ rừng, thì may ra sự kính ngưỡng sẽ được khai quật từ quá khứ; bằng không, những ánh đèn sáng choang từ lễ hội trình diễn, cũng chỉ là tiếng khóc nghẹn nơi lồng ngực người già…