Lửa âm nhạc "bừng cháy" ở Xơ Rơ
Trong chuyến công tác thâm nhập thực tế, tìm ngẫu hứng sáng tác, các nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Bích, Dương Trinh đã có trải nghiệm âm nhạc “cháy” hết mình với đồng bào Ca Dong tại làng Xơ Rơ, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.
Buổi chiều muộn, ngày cuối tháng 4, nhóm các nhạc sĩ nhạc sĩ Lê Minh Sơn (Hà Nội), Nguyễn Hoàng Bích, Dương Trinh (Quảng Nam) đến làng Xơ Rơ, trên núi Ông Điếc để khám phá non cao, tìm ngẫu hứng sáng tác.
Làng Xơ Rơ vẫn yên bình, thơ mộng, giữ được nét văn hóa, bản sắc của người Ca Dong. Khói bếp chiều bay lên từ nóc nhà sàn tạo thêm vẻ hoang sơ, thanh tịnh của ngôi làng nơi lưng chừng núi.
Tiếp đón đoàn nhạc sĩ, già làng Hồ Dinh tập hợp con cháu đốt đống lửa thiêng, mở hội đánh cồng chiêng, nhảy múa và hát dân ca Ca Dong, khiến “máu” văn nghệ của các nhạc sĩ trỗi dậy để cùng tung hứng “cháy” với dân làng. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn tự nguyện làm tay đàn, đệm guitar và đã “chiêu đãi” dân làng một bữa tiệc âm nhạc “thịnh soạn”.
“Ai mà ác thế, làm những con voi Tây nguyên, không đuôi, không đuôi. Ai mà ác thế, làm những cánh rừng Tây Nguyên, không cây, không cây. Còn đâu, đàn chim trắng, trắng cả giấc mơ, già làng. Còn đâu, bầy thú hoang, ám ảnh giấc mơ, già làng…”.
Bài hát “Con voi không đuôi” tuy được nhạc sĩ Lê Minh Sơn sáng tác cho vùng Tây Nguyên, song với ngôn từ mộc mạc, gần gũi với người vùng cao cũng đã gửi thông điệp giữ rừng, bảo vệ muôn thú, bảo vệ môi trường đến với dân làng Xơ Rơ.
Anh Hồ Văn Cường - thanh niên Ca Dong làng Xơ Rơ cho hay, nạn phá rừng ở đây đã giảm nhiều, ai cũng biết mất rừng thì mất nguồn nước, mất nguồn sống. “Nghe xong bài hát “Con voi không đuôi”, mình thấy có phần trách nhiệm cần phải giữ rừng, giữ muôn thú cho rừng” - anh Cường thổ lộ.
“Tôi lên công tác, cùng ăn, cùng ở, viết nhạc về Trà My xưa và nay là Bắc Trà My rất nhiều. Nhưng lần này, được bà con Ca Dong tiếp đón bằng không gian thân thiện, đoàn kết và ngập tràn bản sắc.
Thật tình, rất háo hức và cảm động, nhưng lại đặt ra cho tôi thách thức phải làm sao có được bài hát mới lạ để đáp lại sự kỳ vọng của dân làng” - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích bộc bạch.
Nhạc sĩ Dương Trinh - người con của núi rừng Trà My nên rất am hiểu văn hóa, tập quán của người Co, Ca Dong bản địa. Góp “lửa” giao lưu, ngoài hát những nhạc phẩm mang âm hưởng núi rừng hùng tráng, nhạc sĩ Dương Trinh còn thể hiện bài dân ca X’Ru của người Co, nhằm tạo cảm hứng sáng tác cho các đồng nghiệp, vừa mong muốn đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, gìn giữ phát huy bản sắc truyền thống.
Già làng Hồ Dinh và nghệ nhân Ca Dong gạo cội Hồ Thị Dôn tại làng Xơ Rơ thì như “nắng hạn gặp mưa rào”, họ say sưa hát các bài dân ca Ca Dong.
“Chừ tôi hát cho người vùng cao. Chừ tôi hát cho người Ca Dong. Ơn Đảng, ơn Bác Hồ quê hương đổi mới. Như có Bác Hồ đi khắp buôn làng. Con cháu ơi, hãy đến trường mà học cái chữ Bác Hồ… Dân làng ơi, hãy đoàn kết, giữ rừng, xây dựng đời sống văn minh…”. Lời bài dân ca Ca Dong tự biên của già Dinh xướng lên đã làm cho buổi giao lưu thêm cháy bỏng, đồng thời có ý nghĩa giáo dục, đoàn kết.
“Mình thấy đời sống bà con Ca Dong làng Xơ Rơ còn khó khăn. Nhưng không vì thế mà sự hiếu khách, đời sống tinh thần, yêu âm nhạc của dân làng trầm lắng. Lớp trẻ đều biết múa, đánh cồng chiêng, hát dân ca Ca Dong… là đáng mừng. Buổi giao lưu tích thêm cho mình nguồn năng lượng, cảm hứng quý giá trong nghiệp sáng tác” - nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ.