Áp lực đám đông lên đô thị

TRỊNH LÊ KHA 07/05/2023 08:11

Không chỉ lo sợ bản sắc văn hóa cư dân bản địa sẽ bị đánh mất, đô thị cổ Hội An còn đang đứng trước một nguy cơ khác là áp lực đám đông lên đô thị ngày càng gia tăng.

Hội An đông nghẹt người vào ban đêm và những ngày cuối tuần. Ảnh: TRỊNH LÊ KHA
Hội An đông nghẹt người vào ban đêm và những ngày cuối tuần. Ảnh: TRỊNH LÊ KHA

Áp lực di sản

Thống kê trong Đề án xây dựng và phát triển Hội An - thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, ước tính tổng dân số thành phố hiện nay gần 100.000 người. Tuy nhiên, mật độ dân số lại cao gấp 4,9 lần cả nước, cao gấp 11 lần Quảng Nam và gấp khoảng 40 lần so mật độ chuẩn thế giới (1.582 người/km2).

Riêng phường Minh An, có khu phố cổ, mật độ dân số 7.774 người/km2, gần gấp 5 lần so với mật độ dân số trên tổng diện tích Hội An. Trong khi đó, số lượng du khách chiếm tỷ lệ gấp 60 lần so với cư dân địa phương (5.966.960/98.595 người).

Vậy, nếu tính sơ qua về mật độ người du lịch trên tổng diện tích của Hội An sẽ là hơn 93.896 người/km2, và phường Minh An nơi có khu phố cổ là lý do chính yếu thu hút khách du lịch với hơn 461.031 người/km2. Theo quan sát, vào những khung giờ cao điểm về du lịch, lượng người từ khắp nơi đổ về khu phố cổ gây ách tắc cục bộ.

Chính quyền, cơ quan quản lý địa phương bắt đầu lo ngại mất “tài nguyên của một khu phố cổ”. Trong đề án đó, chính quyền Hội An nói ngoài số dân tăng tự nhiên tại chỗ thì tốc độ gia tăng dân số cơ học cũng khá cao.

Lượng khách tập trung lớn và thường xuyên vào khu vực phố cổ, tạo ra áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật đô thị, cảnh quan môi trường và đối mặt với các rủi ro khác. Văn hóa bản địa phải đối mặt với những nguy cơ mất dần bản sắc văn hóa từ những tác động của khách du lịch (lối sống, văn hóa) và những thay đổi của văn hóa dịch vụ.

Tuy nhiên, nguy cơ tác động đến đô thị cổ trên đường xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch được ghi nhận là lụt, mưa bão, nước biển dâng, nhiễm mặn, xói mòn bờ biển, sạt lở bờ sông. Liệu có sự quên đi tác động của áp lực đám đông lên đô thị hay không?

Hội An được lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình “Đô thị văn hóa” của Bộ VH-TT vào năm 1998. UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999, tính cho đến nay hơn hai thập kỷ. Vậy Hội An đã có những thay đổi đáng kể gì về mật độ dân số và số lượng du khách? Điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với cấu trúc của kiến trúc đô thị cổ trước áp lực lớn về người như hiện nay và có thể gia tăng mai này?

Tìm cách ứng phó

Liệu số lượng đám đông dày đặc có ảnh hưởng đến chất lượng của cấu trúc nhà cổ? Theo nghiên cứu về dấu hiệu rung động của bước chân con người trên mặt đất và trong các tòa nhà được khám phá bởi Alexander Ekimov and James M. Sabatier được công bố trong tạp chí của hiệp hội âm học Hoa Kỳ năm 2005, đã viện chứng ra những tần số rung động tác động lên môi trường trong một khoảng thời gian xác định.

Một nghiên cứu những ảnh hưởng cụ thể đến cấu trúc nhà cửa và công trình xây dựng được đánh giá theo tiêu chuẩn rung chấn của Văn phòng khai thác bề mặt (OSM), do Tiến sĩ John M. Zeigler công bố và được cập nhật năm 2023. Các tần số cụ thể việc kéo dài trong khoảng thời gian lớn hơn vài giây kết hợp với cộng hưởng có thể gây thiệt hại đến cấu trúc của nhà ở và các công trình xây dựng khác.

Mặc dù mỗi điểm có những giới hạn rung động khác nhau, song cùng với tần số cộng hưởng rung có thể dẫn tới khả năng dẫn truyền rung chấn lên toàn bộ công trình. Do đó, các rung động với biên độ tuy thấp nhưng xảy ra trong thời gian dài và cùng với cộng hưởng, tạo khả năng gây thiệt hại đến chất lượng của công trình xây dựng.

Các nghiên cứu của Alexander Ekimov and James M. Sabatier cũng như của Tiến sĩ John M. Zeigler chỉ ra rằng, các vấn đề quan ngại do những rung động với tần số cao và diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn có thể gây ảnh hưởng trực tiếp và có thể cảm nhận được là các nguyên nhân chính gây ra các thiệt hại về cấu trúc nhà ở.

Song các rung động có tần số thấp hơn nhưng xảy ra liên tục và kéo dài là nguyên nhân tạo động lực cho khả năng gây hại đến cấu trúc nhà ở và các công trình xây dựng. Bởi rung động kéo dài càng lâu thì xác suất gây ra thiệt hại càng lớn cùng với độ khuếch đại và lan truyền rung động giữa các bức tường dẫn đến sự rung động của toàn bộ cấu trúc xây dựng.

Theo các dữ liệu phân tích này, các rung động với tần số thấp nhưng kéo dài và diễn ra liên tục có thể là nguyên nhân gây ra sự thoái hóa ngầm đối với cấu trúc kiến trúc của nhà cổ Hội An.

Các dư chấn từ bước chân người sẽ tạo động lực cho các nét đứt gãy hữu hình khi có những tác động về rung chấn mạnh mẽ hơn đến với đô thị cổ. Thiệt hại chưa thể nhìn thấy trong vài năm tới. Nhưng hậu quả có thể sẽ xuất hiện trong vài thập kỷ tới.

Vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị cổ Hội An, cần có những biện pháp bảo tồn và giảm thiểu thiệt hại hợp lý trong thời gian sắp tới khi du lịch đã mở cửa trở lại sau dịch COVID-19.

Không ai muốn Hội An nghèo, trở thành đô thị dưỡng già như xưa kia chỉ để bảo tồn khu phố cổ. Chuyện bán vé hay không bán vé ồn ào thời gian qua thì chính quyền cần đánh giá, xem xét lại. Quản trị xã hội buộc chính quyền phải có những cơ chế, chính sách để bảo vệ, nhưng phải hợp lý.

Tuy nhiên, nếu không lường trước những áp lực đám đông sẽ tác động lên đô thị không thể kiểm soát, thì mai này có còn một Hội An như hiện tại để trở thành một trung tâm du lịch? Hãy làm gì đó, trước khi quá muộn.

TRỊNH LÊ KHA