Vĩnh biệt người viết đồng dao cho con trẻ

ĐẶNG TRƯƠNG 31/01/2023 19:50

(QNO) - Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ (SN 1930, sinh quán TP.Hội An) thuộc lớp thanh niên Hội An sớm đến với tân nhạc, ông gắn bó gần như trọn vẹn với phong trào ca hát của phố cổ Hội An. Sau một thời gian lâm bệnh, ông từ trần tại quê nhà Hội An vào tối 30/1, để lại niềm tiếc thương cho nhiều người yêu âm nhạc.

Nhạc sỹ Hoàng Tú Mỹ
Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ

Cách đây hơn 10 năm, trên những con đường nhỏ của phố cổ Hội An, thỉnh thoảng, người ta nhìn thấy hình ảnh một ông già tóc bạc trắng, dáng người nhanh nhẹn và nụ cười luôn nở trên môi, theo sau là một đàn cháu nhỏ ríu ra, ríu rít nói cười... Đó là những lúc nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ và các diễn viên của đội văn nghệ thiếu nhi phường Minh An (Hội An) đang tất bật tập luyện, chuẩn bị cho một hoạt động văn nghệ tại địa phương. Và, bao giờ cũng vậy, ngôi nhà nhỏ của chị Mỹ Phương nằm nép mình trong con phố trầm lặng của phường Minh An là địa điểm để ông - cháu gặp nhau và cùng tấu lên khúc nhạc tuổi thơ...  

Những năm cuối đời, khi nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ không còn khỏe, vẫn trên con đường ấy, các em nhỏ trong đội văn nghệ phường Minh An thi thoảng lại rủ nhau đến thăm ông. Nhạc sĩ vẫn với nụ cười muôn thuở của mình chào đón những cháu nhỏ thân yêu; có khi lại bắt gặp giọt nước mắt của hạnh phúc viên mãn tuổi già ở ông khi được những mầm xanh phố Hội tri ân bằng món quà tinh thần quý giá.

Chị Mỹ Phương, người nhiều năm phụ trách đội văn nghệ thiếu nhi phường Minh An nhắc nhớ về nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ rằng, hầu như các em thiếu nhi của phường Minh An và TP.Hội An, ai cũng yêu quý bố Hoàng Tú Mỹ. Bởi ông là nhạc sĩ tài hoa, yêu đời, yêu trẻ con đến hơi thở cuối cùng. Hàng chục năm gắn bó với phong trào ca hát thiếu nhi Hội An, nhạc sĩ để lại nhiều dấu ấn sâu sắc cho phong trào này. 

Còn cô bé My Lan thì nói: “Con cảm ơn ông rất nhiều, ông là người có tâm hồn yêu trẻ con hết mực. Ông luôn gần gũi với trẻ con nên mới sáng tác được bài hát để tụi con ca hát…”.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ từng tâm sự, ông rất hạnh phúc khi mình là người con của phố Hội, sông Hoài. Vùng đất của một thời trên bến dưới thuyền, của những góc phố rêu phong, những hoài niệm êm đềm..., cho ông nguồn cảm xúc bất tận để thăng hoa âm nhạc. Các ca khúc của Hoàng Tú Mỹ không vượt ra ngoài những “cảm xúc thật” mà mỗi sáng thức dậy, làm một vòng trên những con phố nhỏ hay mỗi khi hoàng hôn xuống trong lung linh ánh đèn lồng phố cổ... ông được mắt thấy tai nghe.

Có lẽ, âm nhạc đối với người nhạc sĩ già này là duyên nghiệp kể từ thuở mười tám đôi mươi tràn đầy khí thế với ca khúc “Gió mới” - phổ thơ Xuân Diệu, hay Chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng, cái duyên nghiệp ấy lại đưa đẩy ông đi theo hướng của riêng mình - là viết ca khúc cho tuổi thơ. Dĩ nhiên, đó không hoàn toàn là sự lựa chọn có chủ đích mà đó còn là tình yêu thương, quý mến tuổi thơ, xem tuổi thơ như là những người bạn nhỏ của mình.

Những ca khúc “Chơi hội lồng đèn”, “Lồng đèn phố cổ”, “Trăng phố cổ”, “Trong vườn ban mai”, “Hoa nắng”, “Chào mùa hè - chào hoa phượng đỏ” hay “Hội An quê em”..., được ra đời trong tràn ngập tình yêu thương như thế. Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ từng nói: “Viết cho thiếu nhi ai đó nói khó nhưng tôi thấy dễ. Bởi vì ca khúc ngắn gọn, tươi vui, lời ca nhẹ nhàng dễ thương…”.

Nhà thơ Phùng Tấn Đông cho biết: “Chúng tôi hay đùa với nhau rằng, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ chọn sáng tác cho trẻ em bởi vì nó dễ, nhưng nói một cách nghiêm túc thì âm nhạc cho trẻ em hết sức khó. Trẻ em có đặc thù khác biệt với các đối tượng khác, vì sự hồn nhiên, trong sáng…, đòi hỏi có ngôn ngữ riêng nên khi người lớn như nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ mà viết cho thiếu nhi thành công là cực kỳ khó…”.

Những ca khúc của ông thường viết cho trẻ em
Những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ thường viết cho thiếu nhi

Nhiều năm qua, người nhạc sĩ già đã dành trọn tâm huyết cho việc sáng tác ca khúc ở mảng đồng dao. Cái thú của những ca khúc được viết phỏng theo đồng dao hoặc sáng tác lời mới là tạo cho các em cơ hội vừa hát vừa chơi. Cùng với lời hát là động tác được khai thác từ những trò chơi dân gian, rất mộc mạc nhưng lại gắn bó và rất đổi thân thương với lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng.

Cùng với nhà thơ Phùng Tấn Đông và nhiều tác giả khác, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã cho ra đời nhiều ca khúc phỏng theo đồng dao được tuổi thơ Hội An say mê ca hát như: “Cây đa chú cuội”, “Chập chập cheng cheng”, “Lồng đèn phố cổ”, “Mèo lười với cút”, “Chuyện kỳ nhông”, “Con quạ”, “Con sáo”, “Lý lắc lý lơi”...

Ở mảng ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ được chọn đến ba bài trong 50 bài  đồng dao mới của các nhạc sĩ cả nước. Đó là các bài: “Chuyện kỳ nhông”, “Con sáo” và “Ru ru, riếng riếng”....

Bao nhiêu năm qua, nhiều thế hệ tuổi thơ phố cổ Hội An được lớn lên, vui chơi trong bầu không khí âm nhạc trong trẻo. Và, trong tâm khảm của các em, lúc nào cũng có hình bóng một người ông, một nhạc sĩ, một “người bạn” - Hoàng Tú Mỹ đáng kính. Bởi, Hoàng Tú Mỹ không chỉ là người viết ca khúc với tư cách là một “nhạc sĩ làng” như ông tự nhận, mà còn là người dù đã đi qua gần trọn cuộc đời nhưng vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, thiết tha yêu cuộc sống, trẻ trung sôi nổi, biết cách “chơi” với trẻ thơ hồn nhiên.  

Có thể nói không ngoa rằng, không có một hội diễn tiếng hát “Hoa phượng đỏ” nào của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung mà không vang lên các ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ. Góp phần đắc lực cùng ông chăm nom cho khu vườn ca hát của tuổi thơ phường Minh An nói riêng và của TP.Hội An nói chung là hai cộng sự mà cũng có thể gọi là hai người học trò đã từng được ông dìu dắt từ tấm bé. Đó là chị Mỹ Phương và anh La Vĩnh Hoàng.

Cũng bằng tình yêu thương dành cho con trẻ và bằng những vốn liếng âm nhạc đã được học từ trường lớp cũng như từ người thầy - nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, chị Mỹ Phương, anh La Vĩnh Hoàng bao nhiêu năm nay đã cùng chung tay vun vén, chăm nom cho khu vườn ca hát của tuổi thơ nơi phố Hội.

Bây giờ, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã nhẹ bước đi về phía thế giới người hiền. Xin vĩnh biệt một tâm hồn yêu mến trẻ thơ, vĩnh biệt người viết đồng dao cho con trẻ.

ĐẶNG TRƯƠNG