Nơi khởi phát phong trào "kháng thuế, cự sưu"
Phong trào “Kháng thuế, cự sưu” - Trung Kỳ dân biến - bắt đầu từ Đại Lộc, mà vùng quê khởi phát là làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa.
Ghi dấu tiền nhân
Đình làng Phiếm Ái - nơi khởi phát phong trào đến nay vẫn vẹn nguyên những giá trị. Phiếm Ái là đất “Địa linh nhân kiệt”, cái nôi của giai đoạn tiền cách mạng. Ngày nay, bức hoành phi tại đình làng còn lưu truyền câu đối: “Phiếm địa căn cơ tích đức tiền nhân sinh phú quý/ Ái giang lạc nghiệp phước lưu hậu thế đắc vinh quang” (Đất Phiếm Ái nhờ đức tiền nhân sinh giàu có thịnh vượng/ Sông Phiếm Ái nhờ phước mà thế hệ sau rạng rỡ thành công).
Đây cũng là mảnh đất văn vật hàng đầu của huyện Đại Lộc. Trong 100 năm khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn, làng chiếm 6 trong số 11 vị khoa bảng của cả huyện, có văn từ, văn chỉ biểu trưng cho truyền thống học hành, thi cử. Ngoài tộc Trương nổi tiếng, tộc Phan - tộc lớn của làng cũng có 6 tiến sĩ và gần 200 thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư và cử nhân.
Theo người làng, gần đình làng trước kia còn có văn chỉ Phiếm Ái là nơi tôn thờ sự học nhưng đã bị tàn phá, nền móng cũng bị vùi lấp. Năm 2018, đình làng Phiếm Ái và nhà ông Nghè Nhiếp (Trương Nhiếp) vinh dự đón Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng năm 2018, dịp tròn 110 năm lịch sử phong trào kháng thuế, huyện Đại Lộc xây dựng Nhà bia tưởng niệm cạnh đình làng Phiếm Ái.
“Tại sao lịch sử lại chọn Đại Nghĩa?”. Theo nhà nghiên cứu Vu Gia - người con quê hương Đại Lộc, địa bàn vùng lưu vực sông Vu Gia khá quan trọng. Đứng chân được ở Ái Nghĩa có thể uy hiếp được tỉnh thành La Qua, áp lực lên vùng Hòa Vang và Đà Nẵng.
Về địa thế, rõ ràng Đại Nghĩa là “hiểm cứ”. Và những chiến thắng của Nghĩa hội ngày đó, nhất là những trận đánh quanh vùng như Bãi Cháy, Gò Muồng chắc chắn không thể thiếu cánh quân đóng ở Đại Lợi, không thể thiếu con em Đại Nghĩa.
Đặc biệt Đại Nghĩa còn có lực lượng trí thức mới tương đối đông đảo, nên chỉ cần thời cơ chín muồi là có thể dấy động phong trào. Với những điều kiện thuận lợi đó, cách đây 115 năm, họ đã dấy lên phong trào chống sưu thuế, góp phần tạo nên mảnh đất màu mỡ cho cách mạng sau này gieo hạt…
Tên tuổi tiền nhân đã được lịch sử lưu danh, ngành giáo dục địa phương đã tổ chức biên soạn tài liệu về phong trào và đưa vào giảng dạy trong học đường. Đây là một trong những cách hữu hiệu giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau…
Sức bật của một vùng đất
Trong cuộc sống mới, phát huy truyền thống hào hùng, dân làng Phiếm Ái (nay là thôn Phiếm Ái 1 và Phiếm Ái 2) nói riêng và xã Đại Nghĩa nói chung đã nỗ lực sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế và đời sống. Vùng châu thổ màu mỡ ven sông Vu Gia phù hợp với chuyên canh cây rau, màu, để từ đây những vùng chuyên canh rộng mở.
Ông Trương Ớ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phiếm Ái 2 cho biết, nhân dân Phiếm Ái 2 đang nỗ lực để xây dựng thành công thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.
Còn ông Nguyễn Nhường - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phiếm Ái 1 nói, hướng đến kỷ niệm 115 năm phong trào kháng thuế, Ban nhân dân thôn đang vận động nguồn lực xã hội hóa cải tạo cảnh quan làng quê, xây dựng một số đoạn đường xanh - sạch - đẹp, xây dựng mô hình “Ánh sáng đường làng”, lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời trên đoạn đường dẫn đến Đình làng Phiếm Ái, nơi khởi phát phong trào...
Từ trên đất anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Nghĩa đang ra sức xây dựng quê hương khởi sắc. Ông Thái Ngọc Ôi - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã vận động nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần; đồng thời xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.