Nghề quê ở phố
(VHQN) - Nghề của người Quảng giữa Sài Gòn, như sợi dây nhỏ mà bền chặt, nối những người con xa quê với cội nguồn, xứ sở.
Trầm hương mê hoặc
Tháng 3, trong cái nắng oi ả của Sài Gòn, nhân công trong xưởng chế tác Quyền Trầm Hương vẫn cần mẫn làm việc. Tiếng máy xoèn xoẹt, mùi nhang trầm tràn ngập không gian. Xưởng nhỏ nằm ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Xưởng trầm này là một trong mấy chục xưởng trầm hương của người Quảng Nam giữa Sài Gòn. Nhân công ở đây là con em ngoài quê vào thành phố mưu sinh.
Quyền sinh năm 1991, quê ở Quế Lộc, Nông Sơn. Cách đây gần 10 năm, anh quyết định mở xưởng chế tác trầm vì nhận thấy đây là nghề rất nhiều cơ hội để phát triển.
Vào những năm 1990, gia đình của anh ở Nông Sơn đã mưu sinh bằng nghề làm trầm cảnh, trầm đốt, nhang đốt. Tuổi thơ anh gắn với mùi nhang trầm, với hương thơm mê hoặc của trầm hương và khi ra trường anh quyết định khởi nghiệp bằng nghề của gia đình. Những vòng chuỗi trầm hương tinh xảo của xưởng cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu qua Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Nhu cầu thị trường lớn nhưng hầu hết cơ sở chế tác trầm hương của người Quảng Nam ở Sài Gòn chỉ quy mô nhỏ. Quyền nói rằng cái khó nhất không phải khâu sản xuất mà là làm sao để quảng bá thương hiệu, để người ta biết đến mình nhiều hơn. Hai năm ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều xưởng trầm hương rơi vào khó khăn do hàng không xuất khẩu được. Sài Gòn sau đỉnh dịch, những xưởng trầm hương lại hăm hở bắt tay vào sản xuất, chế tác.
Giữ sợi mỳ quê
“Nghề mưu sinh nào cũng có khó khăn, vất vả. Giữ nghề quê hương giữa đất khách còn khó hơn”. Đó là lời của một chị chủ lò mỳ Quảng tráng tay ở quận Tân Bình. Chị quê ở Quế Sơn, vào Sài Gòn hai mươi năm có lẻ.
Chị kể rằng ở Sài Gòn tìm mua mỳ ký không khó. Nhưng đó là kiểu mỳ tráng bằng máy công nghiệp, sợi cứng. Người xứ khác có thể dễ dãi ăn mỳ công nghiệp, nhưng người Quảng mình phải chọn đúng mỳ tráng tay kiểu quê. Vậy là từ những ngày đầu vào Sài Gòn chị đã quyết định mưu sinh bằng công việc tráng mỳ.
Hai mươi năm nay, gạo tráng mỳ chị nhờ người mua ở quê gửi vào. Hàng ngày dậy sớm nổi lửa tráng bánh. Có máy móc hỗ trợ nhưng cũng khá vất vả. Khách của chị phần lớn là người Quảng giới thiệu cho nhau.
Bây giờ, chị mở rộng bán hàng qua mạng xã hội. Người xa quê ở khắp Sài Gòn, thậm chí có người tận Bình Dương, Biên Hòa thèm mỳ lại nhắn chị gửi vài ký. Có khi tiền cước xe còn cao hơn cả tiền mỳ nhưng khách nào cũng vui bởi ăn được đúng vị quê. Nhiều lò mỳ Quảng như của chị tồn tại lâu năm giữa Sài Gòn, lọt thỏm giữa trăm vạn nghề phố thị. Cũng là nghề mưu sinh thôi, nhưng như chị nói “tráng đến hồi mô không tráng nổi nữa thì thôi!”.