Hiến kế phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nhiều “điểm nghẽn” cản trở phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được nhìn nhận và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại hội thảo chuyên đề do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp tổ chức sáng qua, 10/11.
Những “điểm nghẽn”
Với chủ đề “Phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc - thực trạng và giải pháp”, ngay tại lời khai mạc hội thảo, ông Trần Khắc Thắng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, thực tế việc triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, vướng mắc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện ở một số nội dung; chỉ tiêu về phát triển BHXH bắt buộc chưa đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tình trạng trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra khá nhiều.
Năm 2022, toàn tỉnh có 2.453 đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, với tổng số 23.360 lao động (LĐ); có 3.110 đơn vị chưa tham gia đầy đủ cho LĐ với số LĐ chưa tham gia là 73.646 người. Như vậy, tổng số LĐ chưa tham gia BHXH là 97.006 người. Đây là thực trạng đáng báo động vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người LĐ, đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Phân tích những khó khăn, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Việc tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về BHXH ở bộ phận không nhỏ người sử dụng LĐ và LĐ chưa cao.
Có nhiều biểu hiện làm trái pháp luật như thỏa thuận giữa người sử dụng LĐ và người LĐ không tham gia; biến tướng hợp đồng LĐ thành các loại hợp đồng khác; kê khai ngày giờ làm việc, mức thu nhập không đúng.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn khá lớn, tuy nhiên phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sử dụng ít LĐ, sử dụng LĐ phổ thông, LĐ tại chỗ, công việc không thường xuyên…, do đó mối quan hệ giữa người sử dụng LĐ và người LĐ thiếu bền chặt dẫn đến phát sinh quan hệ quyền và nghĩa vụ của hai bên không rõ”.
Trong khi đó, ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định, có trường hợp người LĐ và người sử dụng LĐ ký đơn thống nhất không tham gia BHXH; tình trạng trốn đóng BHXH dẫn đến có nhiều LĐ nữ sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản hay nhiều LĐ thôi việc, thất nghiệp nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Pháp luật quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện với sự ủy quyền của người LĐ, nhưng công đoàn cơ sở ở ngay tại doanh nghiệp và nhận lương doanh nghiệp nên khó có khả năng chủ tịch công đoàn đứng ra khởi kiện. Và bản thân người LĐ biết doanh nghiệp vi phạm nhưng sợ va chạm, nghỉ việc nên không muốn ủy quyền khởi kiện, chủ yếu là đề nghị công đoàn tư vấn, hỗ trợ.
Cùng tìm giải pháp
Truyền thông về chính sách BHXH rộng khắp, đa dạng hình thức là cách mà BHXH tỉnh phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực.
Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam nêu vấn đề: “Làm sao để số người thực tế có tham gia thị trường LĐ được tham gia chính sách BHXH là một câu chuyện không chỉ cần các cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi chính sách hay cơ quan truyền thông vào cuộc, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sử dụng LĐ cũng như ý thức được quyền lợi và sự bảo vệ cho bản thân của người LĐ.
Chính vì vậy mà dù bây giờ hay trong tương lai, vai trò của cơ quan báo chí chính thống ngày càng quan trọng hơn. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, sự lan tỏa của thông tin trên các hệ thống mạng xã hội rất nhanh, tốc độ lan truyền vô cùng mạnh mẽ. Vì thế cơ quan truyền thông cũng tận dụng tối đa sức mạnh này để lan tỏa chính sách, hạn chế những thông tin tiêu cực trên môi trường mạng”.
Trong khi đó, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội (HĐND tỉnh) cho biết, tình trạng nợ đọng, chây ỳ, chiếm dụng 10,5% lương công nhân, trốn đóng BHXH đang xảy ra nên cần phải kiên quyết xử lý vi phạm, khi chế tài chưa đủ mạnh thì phải kiến nghị lên cấp có thẩm quyền cao hơn tháo gỡ vướng mắc.
Nhóm học sinh, sinh viên cũng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng tỷ lệ vẫn chưa cao, nên cần tập trung phát triển ở nhóm này nhằm tạo sự chuyển biến từ ý thức đến thực tế.
Đại diện Công an tỉnh, bà Bùi Thị Thu Sương - Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế khẳng định thời gian qua, công tác phối hợp giữa Công an tỉnh và BHXH tỉnh đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời các loại tội phạm và các hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách BHXH.
Hành vi vi phạm của doanh nghiệp có thể là tận dụng kẽ hở, thỏa thuận với người LĐ để không tham gia BHXH; lập khống bảng chấm công cho người LĐ thể hiện không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng để trốn đóng; lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách liên quan đến việc sử dụng LĐ để đóng bảo hiểm thấp hơn mức đóng theo quy định...
Công an tỉnh đề nghị, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, BHXH tỉnh và các ngành có thể đề nghị cơ quan Công an cùng vào cuộc để củng cố hồ sơ ngay từ đầu, nhằm hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.