Nhớ nắng...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 31/07/2022 12:26

Trong tiếng ve râm ran của mùa hè, những mùa nắng đi qua, những kỷ niệm đi qua khiến lòng khôn nguôi thương nhớ...

Nắng lên. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Nắng lên. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

1. Nhớ là nhớ những bài hát mẹ ta, bà ta từng hát dưới những mái tranh nghèo: “Gió nam thổi xuống lò vôi/ Ai nói với bậu ta có đôi (mà) bậu buồn/ Hai chưn bước xuống thuyền buôn/ Nước bao nhiêu sóng dạ ta buồn bấy nhiêu/ Cột buồm gió thổi liêu xiêu/ Lòng ta như cái chợ chiều bậu ơi”…

Cụ Phan Viết, người quê làng Hà Dừa, Điện Ngọc,  Điện Bàn nguyên là lãnh đạo của tôi hồi làm việc ở Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng hay kể, hồi thiếu niên ông từng đi ở, làm công cho các ghe bầu buôn gạo trong miệt Đồng Nai về miền Trung.

Nằm trên ghe gạo mà bụng đói cồn cào anh em mới rủ nhau lên mui ghe ngồi… hát cho qua cơn đói. Trăng thanh gió mát giữa biển khơi gợi lại bao cảm xúc và mơ ước đổi đời. Nhưng có học hành chi đâu mà biết tân nhạc, nên cứ thuộc gì hát nấy, từ những bài ru em đến hát bội, hát giữa trời nước mênh mông.

Làng quê Hà Dừa ven biển thông thốc cát, “cây khô nhúng nước cũng khô, phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”… Hết đi ở, làm công cho ghe bầu, các cụ lúc đó lại rủ nhau đi kháng chiến, rồi được đưa ra miền Bắc khi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954…

Một lần họp giao ban nông nghiệp toàn tỉnh, cụ Phạm Đức Nam lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách nông lâm thủy sản, khi nói đến chuyện tăng cường các trạm bơm cho cánh Bắc của tỉnh (lúc đó đại công trình thủy lợi Phú Ninh vừa dẫn nước tưới cho cánh Nam) lại cũng hát… thơ: “Gió Nam thổi kiệt bảy ngày/ Khoai lang khô cũng hết lúa vay (cũng) không còn”…

Cụ Phạm Đức Nam cũng là người mê hát bội, sau này khi về hưu ông đã tham gia các hoạt động khôi phục hát bội Quảng Nam cùng với các cụ Hoàng Châu Ký, Võ Bá Huân. Thường họp giao ban nông nghiệp buổi sáng ở Tam Kỳ cho cánh Nam rồi ăn trưa để giao ban buổi chiều tại Duy Xuyên cho cánh Bắc.

Cụ Nam lúc nghỉ trưa thường hay “xổ” vài câu hát bội trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”: “Cha cày xong mấy khoảnh/ Con hò hát đôi câu/ Toát mồ hôi thương bấy thân trâu/ Nhìn đám ruộng thêm vui dạ lão”…

Ông vuốt tưởng tượng một chòm râu, rồi nói: Quê nghèo đói mà vô tuồng hát bội thì nghe hay thiệt. Không nói gì đến nắng gió mà chỉ thấy niềm vui của nhân vật lão Tạ!

Mười năm tôi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, được đi nhiều nơi, nhưng cái nhớ vẫn là nhớ những mùa nắng đổ lửa ở đồng ruộng và những làng quê nghèo với những kỷ niệm như vậy.

2. Cũng trong cái nắng nóng đổ đom đóm tháng 6, tháng 7 hàng năm ấy, là những kỷ niệm được nghe kể lại trong gia đình, trong thôn xóm.

Bốn giờ sáng, những lão nông trong làng đã thức dậy, chụm rơm hoặc củi tre, nấu nồi khoai lang và một om nước chè xanh. Ăn vài củ khoai lang, uống hết bát nước chè thì dắt trâu và vác cày ra ruộng. Ông nội tôi cũng trong số đó. “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm…” có lẽ mô tả những cảnh đời lầm lũi ấy ở nông thôn Quảng Nam.

Đến mùa cấy gặt xong, dân làng lại chẻ tre đan cót, vác bộ xuống tận Hội An để bán cho thương lái làm ví (hay dí) chứa hàng dưới các ghe buôn hoặc làm phên thưng vách trong những ngôi nhà mái rạ… Nội tôi thì mua tre cây về đóng giường, làm rui mè kèo cột vác bộ ra tận Đà Nẵng cho khách làm nhà. Khách khá giả thì đặt tre ngâm, người nghèo thì cứ tre già là được, vì nhanh và rẻ.

Người ta kể phải vác những thứ ấy đi bộ từ Điện Bàn ra Đà Nẵng từ lúc gà gáy canh tư (sau 3 giờ sáng). Ra đến bờ sông Cẩm Lệ mới dừng lại nghỉ và ăn sáng, cũng bằng mấy củ khoai lang hay sắn luộc và một bát nước chè xanh. Lại đi tiếp cho kịp giờ giao hàng…

Cảnh chẻ tre đan cót ấy còn sót lại trong văn chương bình dân: “Thức khuya dậy sớm cho quen/ Làm dâu Thanh Tú thắp đèn đan phên”. Cha tôi thì nhắc lại những câu tục ngữ ở làng mình về kỹ thuật của thợ tre: “Cưa gỗ thì đè, cưa tre thì đỡ” hay “Bộng trong xong ngoài”…

Trong những ngày hè nắng nóng thuở nhỏ ở quê, nghỉ hè tôi và chúng bạn lại bơi dọc sông, nhìn lên mấy bụi tre ven bờ. Chúng tôi vừa tắm mát vừa tìm bắt chim chóc làm tổ. Thú vị làm sao! Chiều về lại quanh quẩn bên những người làm tre, chờ xin những mớ “ruột trọng”, đầu tre thừa mang về làm củi đun nấu. Lại nghe các cụ già đọc vui: “Chụm tre đun ngửa, có chửa nằm nghiêng”…mà nhiều năm sau này mới hiểu hết nghĩa lý một lời khuyên của tục ngữ…

Nhớ nắng, lại nhớ một buổi trưa lang thang trên những ngõ đường trung du xã Bình Chánh (huyện Thăng Bình) để tìm trao học bổng cho đứa con học giỏi của một thương binh nghèo. Trong nắng nóng gần bốn mươi độ C, tiếng ve inh ỏi như bản nhạc không dứt, đuổi theo ta từ đầu xóm đến cuối thôn.

Trong đời tôi chưa hề nghe “một bữa tiếng ve” nào như vậy. Trong tiếng ve đến chói chang ấy, những mùa nắng đi qua, những kỷ niệm đi qua, những mảnh đời đi qua khiến lòng ta bùi ngùi...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG