Chuyện kể ở xóm Vĩnh Bình

LÊ VĂN CHƯƠNG 17/07/2022 06:45

Trung tá Nguyễn Viết Bình (SN 1969) trở về ngôi nhà ở thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) để thăm người em là Bùi Đi (SN 1970). Gặp nhau, họ lại kể chuyện xưa cũ bên chiếc xe đạp dựng bên chuồng trâu. Cả hai anh em, người mất cha, người mất cả cha lẫn mẹ trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Chiếc xe đạp hai anh em côi cút từng gò lưng chở nhau đi học. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Chiếc xe đạp hai anh em côi cút từng gò lưng chở nhau đi học. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Ăn củ tới trường

Sau năm 1975, người dân ở thôn Vĩnh Bình thường khá quen với hình ảnh 2 cậu học sinh có nước da đen thui, lúc nào cũng bám sát nhau trên bờ ruộng để tát ao bắt cá cho tới lúc đến trường.

Đi là con họ hàng với Bình và nhỏ hơn 1 tuổi nên tôn anh làm sư phụ. Khi sư phụ lấm lem bùn đất vì nhảy xuống mương nước thì người em cũng bộ dạng tương tự.

Tuổi thơ của hai anh em là những kỷ niệm rong ruổi từ bờ ao tới rừng phi lao, vì cha mẹ của Bình đều hy sinh khi cậu mới một tuổi, còn cậu bé Đi thì cha cũng hy sinh.

Bà Lê Thị Diên, mẹ của Đi nghiễm nhiên cũng trở thành người mẹ của Bình. Bình gọi bà Diên bằng thím, nhưng trong lòng cậu thì bà cũng chính là mẹ ruột của mình. Bởi từ lúc nhận biết cuộc sống, cậu không có người thân nào khác ngoài thím Diên.

Hàng ngày, bà Diên tần tảo với 2 sào ruộng, vườn. Vùng đất cát trắng, cháy khát dưới cái nắng nóng thì việc kiếm ra được bao củ, thùng lúa là cả chuỗi gian nan.

Đêm về, bà thắp hương trên bàn thờ cho chồng và 2 người thân là cha mẹ của Bình. Bà thường nhìn hai cậu bé nằm ngủ với nét mặt hồn nhiên. Sau năm 1975, đất nước giải phóng nên hai cậu bé đều được bà chăm lo, cắp sách đến trường.

Lớn lên trong gian khó, Bình và người em của mình thỉnh thoảng vẫn chia sẻ niềm ước mơ. Bình nói, “Tao dự định sau này làm nghề bộ đội, vì cha mẹ tao đều là du kích”.

Đi cười nhe hàm răng sún và tròn xoe ánh mắt dễ thương. Cậu là người hiền lành, nghe tới việc đi bộ đội cầm súng thì cũng ngại. Khẩu súng vừa nặng, vừa có đạn rất nguy hiểm. Đi chia sẻ niềm ao ước sẽ thi vào ngành sư phạm và trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cả hai anh em học chung từ lớp 1 đã lên tới 12 ở Trường THPT Trần Cao Vân. Ước mơ về tương lai thỉnh thoảng lại được hai cậu chia sẻ, sau đó tiếp tục lao vào học tập.

Bà Diên lo cho con, cháu đi học xa, nên xin một người quen cho hai cậu ở nhờ trong ngôi nhà gần trường, đỡ mất thời gian đi về. Vả lại, hai cậu ở lại học thì đỡ tiêu tốn thời gian vào thú vui rong ruổi ra ao tát cá.

Thời gian đầu, hai anh em đua nhau cuốc bộ tới trường. Sau này bà Diên sắm được chiếc xe đạp thì hai anh em thay phiên nhau chở. Bình nuôi chí trở thành bộ đội, bởi cậu còn tính tới việc “học ngành khác làm chi có tiền để nộp, thôi đi bộ đội có nhà nước nuôi”.

Ước mơ gởi lại cho con!

Trung tá Nguyễn Viết Bình trở lại ngôi nhà mà hai anh em đã khôn lớn. Con đường đầy bùn lầy, bờ ao, mương nước, thoảng mùi rơm rạ, sau mấy chục năm đã biến đổi thành một làng quê bắt đầu hình hài của vùng đất công nghiệp - trong xóm thấp thoáng những dãy nhà trọ công nhân; phần lớn đường đất đều được bê tông hóa và trục đường chính được xây dựng cho xe vận tải lưu thông. Đi và Bình gặp lại nhau khi đã trở thành hai người đàn ông vai gánh nặng bầy con.

Anh Bùi Đi chia sẻ, niềm ao ước của đời mình giờ chuyển lại cho con.
Anh Bùi Đi chia sẻ, niềm ao ước của đời mình giờ chuyển lại cho con.

Tôi hỏi lại niềm ước mơ ngày ấy, bây giờ… ra sao? Trung tá Bình cười và kể lại con đường của mình thuận lợi hơn người em. Đó là tháng 9.1990, xã Tam Thăng nhận được đơn xin tình nguyện nhập ngũ của Bình. Năm đó cậu đã 21 tuổi và vẫn không rời bỏ mục tiêu đã nói với người em.

Đi thì vẫn cuống lên với dự định, đi học cao đẳng sư phạm thì lấy tiền ở đâu mà trang trải? Vậy rồi, anh đành cất tấm bằng cấp 3 mà vào thời điểm năm 1990 cũng khá có giá, sau đó đi làm nghề phụ hồ, rồi trở thành thợ xây dựng.

Làm nghề xây dựng nên suốt ngày phải phơi người ngoài nắng thiêu đốt, nỗi nhọc nhằn đó đã làm dáng vẻ bề ngoài của cậu Đi “dịch chuyển” dần từ em sang anh. Còn cậu Bình thì tóc hơi bạc, nhưng vẫn giữ nét trẻ trung và từng trải.

Trung tá Bình kể, sau lần nộp đơn xung phong đi bộ đội, chính quyền địa phương cũng đã nói với bà thím về việc con trai độc nhất của gia đình liệt sĩ, không còn cha mẹ thì sẽ được miễn đi lính.

Nghe vậy, Bình vẫn nài nỉ xin đi để giữ truyền thống gia đình. Sau hơn 30 năm, anh đã trải qua nhiều đơn vị công tác và hiện nay là nhân viên trinh sát cơ động, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, đơn vị đóng ngay gần ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ.

Cậu bé Đi giờ đã là cha của 5 đứa con (4 gái, 1 trai). Hai cô con gái đầu đã tốt nghiệp và có tấm bằng đại học ngôn ngữ Anh và cao đẳng công nghệ thông tin. Câu chuyện mà vợ chồng anh Đi kể làm tôi nhận ra rằng, “đời cha chưa thực hiện được ước mơ nên chuyển lại cho con”. Trong ngôi nhà cấp 4, tấm ảnh con gái nhận bằng tốt nghiệp được anh phóng to và treo ở vị trí trang trọng.

Hồi ức mùa hè

Từ năm 1969 - 1970, chồng bà Lê Thị Diên hy sinh, sau đó vợ chồng người anh họ là cha mẹ Bình cũng ngã xuống. Vậy là một mình bà tần tảo vừa nuôi con, vừa nuôi cháu (Bùi Đi và Nguyễn Viết Bình). Bình như gà con lạc cả cha lẫn mẹ.

Ở tuổi này, cậu bé chưa cảm nhận hết được nỗi đau, chỉ biết bà thím luôn trào nước mắt và ôm cậu với người con trai là Bùi Đi (SN 1970), nhỏ hơn Bình 1 tuổi. Ký ức đó luôn đi theo bà Lê Thị Diên.

Sau hơn 30 năm, hai anh em lại về bên nhau.
Sau hơn 30 năm, hai anh em lại về bên nhau.

Bà Lê Thị Diên giờ sống những ngày tuổi già với con cháu và phần lớn thời gian là nằm điều trị, an dưỡng ở bệnh viện. Ngôi nhà tranh từng là nơi nuôi nấng cậu con trai độc nhất và người cháu mà bà xem như con đã được thay thế bằng ngôi nhà cấp 4. Trong ngôi nhà chỉ có vài vật dụng đơn giản, trên tường treo tấm bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Bay, bằng Tổ quốc ghi công.

Trung tá Bình ngồi nói chuyện với người em về việc đã trải qua hơn 30 năm trong quân ngũ, cũng sắp đến tuổi về hưu, hai cô con gái thì một người đã tốt nghiệp đại học ra trường, một người đang học đại học năm thứ 3.

Còn anh Đi thì vẫn đang ở “guồng quay mới” với cậu con trai là Bùi Viết Hiếu, đang là học sinh cấp 2. Khi hai anh em ngồi với nhau, nét già nua dường như biến mất trên khuôn mặt họ, cả hai như những đứa trẻ.

Nhắc chuyện học, hai anh em đệm vài từ tiếng Nga rồi cười đùa khi kể lại, năm cấp 3 ở Trường THPT Trần Cao Vân tổ chức chương trình dạy tiếng Nga, nhưng sau này hầu như không áp dụng được trong cuộc sống.

Cuộc đời của con người, khi đến khúc rẽ cuối thì dường như cũng là lúc chạm vào điểm xuất phát. Anh Bình tâm sự với người em về việc không thể quên ngôi nhà tranh vách đất, những kỷ niệm ngày ngày tới trường, niềm ước ao tìm được mộ cha để quy tập về nằm bên cạnh mẹ.

Sau 32 năm, cậu học sinh ngày nào đã mang cầu vai Trung tá và mái tóc đã điểm bạc. Từ đơn vị đóng quân chỉ cần đi 15 phút là đến ngôi nhà của người thím đã nuôi 2 anh em khôn lớn.

Tại ngôi nhà này, hai anh em thường ngồi lặng bên nhau, đếm ngược thời gian đã trôi qua trong đời. Thời còn cắp sách đến trường, cả hai chung một con đường. Sau hơn 30 năm, ước mơ đã khiến họ đi theo hai ngã rẽ và tới cuối đời thì lại trở về bên nhau.

LÊ VĂN CHƯƠNG