Giá dầu thế giới tăng mạnh
(QNO) - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, thiếu hụt nguồn cung có thể đẩy giá nhiên liệu thế giới thiết lập các kỷ lục mới.
Những ngày gần đây, giá dầu thế giới chạm mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm qua. Cụ thể, giá dầu thô hiện ở mức hơn 90 USD/thùng, cao nhất trong vòng 7 năm khi nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch Covid-19 còn nguồn cung trên khắp thế giới bị thiếu hụt.
IEA cho biết, liên minh 23 quốc gia sản xuất dầu mỏ OPEC+, hiện chiếm hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, hiện chưa khôi phục hoàn toàn sản lượng sau đợt cắt giảm trong làn sóng Covid-19 đầu tiên vào năm 2020. Cùng với việc tồn kho dầu ở mức thấp nhất trong 7 năm khiến thị trường dầu mỏ đối mặt với căng thẳng hơn nữa.
Nguyên nhân OPEC+ lý giải là do đại dịch khiến một loạt nước xuất khẩu dầu phải cắt giảm đầu tư, giảm sản lượng dầu mỏ khai thác.
Ông Toril Bosoni - người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của IEA nói: “Thị trường dầu cực kỳ chặt chẽ. Giá tiếp tục tăng và hiện đạt đến mức gây khó chịu cho người tiêu dùng trên toàn thế giới”.
Giá dầu tăng được coi là yếu tố bất lợi, gây ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, khiến gia tăng lạm phát tại nhiều nền kinh tế, và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho hàng triệu người.
Tại Mỹ, giá năng lượng tăng cao khiến tình trạng lạm phát thêm trầm trọng. Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Mỹ trong tháng 1.2022 tiếp tục tăng ở mức 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Điều này tác động không nhỏ tới khả năng phục hồi của nền kinh tế số một thế giới.
Tại Nhật Bản, để bình ổn, bắt đầu từ cuối tháng 1.2022, Chính phủ Nhật quyết định trợ cấp cho các nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu có thể dễ dàng tăng hơn 100 USD/thùng nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Nga (thành viên liên minh OPEC+) bị gián đoạn bởi tình hình căng thẳng với Ukraine.
Thậm chí, Ngân hàng Bank of American (Mỹ) dự báo giá dầu Brent có thể đạt 120 USD/thùng vào giữa năm nay.
Bởi vậy, nhu cầu mạnh khi các nước trên thế giới mở cửa, sống chung với đại dịch, khôi phục các hoạt động kinh tế bên cạnh mức tăng tối thiểu từ phía cung và những căng thẳng địa chính trị thế giới là những nguyên nhân chính tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới.
IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100 triệu thùng dầu/ngày, cơ bản phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, OPEC+ đến nay vẫn chưa thực hiện cam kết tăng sản lượng khai thác, do đó tác động lên giá dầu trong thời gian tới.