Nhớ quê

VU GIA 30/01/2022 09:02

(Xuân Nhâm Dần) - Sáng mùng 2 Tết cách nay gần 20 năm, GS. Lê Trí Viễn đọc cho tôi nghe bài thơ ngắn được ông sáng tác khi dẫn con cháu về thăm quê hương: “Có quê mà chẳng có nhà/ Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi/ Nửa đêm sực tỉnh bồi hồi/ Mẹ ơi, con đứt nửa người, mẹ ơi”. Đọc tới câu cuối, giọng ông như nghẹn lại, khiến lòng tôi cũng rưng rưng. Nhưng đó chỉ là sự cảm thông tấm lòng của thầy tôi đối với quê hương, chứ chưa có gì sâu sắc lắm. Nay, tôi bước vào tuổi mà người xưa xếp loại “cổ lai hy” (Đỗ Phủ) và “theo lòng mình muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý” (Khổng Tử), nên càng thấm thía mấy câu thơ trên.

Ngã ba nơi sông Thu Bồn và Vu Gia gặp nhau. Ảnh: LÊ VŨ
Ngã ba nơi sông Thu Bồn và Vu Gia gặp nhau. Ảnh: LÊ VŨ

1. Tôi mới chừng 10 tuổi đã xa quê và càng lớn thì mỗi dịp xuân về tết đến lại càng nhớ cố hương. Nhưng thời đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội này, tôi chỉ đành nhớ quê theo cách của riêng mình.

Quê tôi nằm ở chóp mũi của hai con sông Thu Bồn và Vu Gia gặp nhau, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Ngày xưa, nhà tôi cách sông Vu Gia một bờ tre, cách sông Thu Bồn cánh đồng lúa. Bây giờ, tôi có về quê thì cũng… “Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi”.

Thế hệ lớp cha tôi đi qua, thế hệ chúng tôi bằng vào năng lực, ý chí phấn đấu của từng người chung tay xây dựng, bảo vệ quê hương. Và màu quê, gió quê, người quê cùng thời lại đến với tôi trong những ngày xuân về tết đến này...

Tôi nhớ anh Nguyễn Hữu Mai (SN 1950), người làng Phúc Khương, sau ngày giải phóng đảm nhiệm Bí thư xã Đại Cường với nhiều sáng kiến ổn định nhân tâm, đưa cuộc sống người dân ngày một khá hơn.

Khi lãnh đạo toàn huyện, anh có những sáng kiến đến nay nhân dân chưa quên, nhất là kiên cố hóa trường học. Sau đó anh còn giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1997 anh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khi Quảng Nam tái lập...

Quê tôi được giải phóng từ rất sớm (1963 - 1964), nên một số thiếu nhi được đưa ra miền Bắc học tập, trong đó có Võ Tiến Trung (SN 1954), người làng Quảng Đại. Tròn 20 tuổi, Võ Tiến Trung được vào học tại Trường Sĩ quan Đặc công.

Từ đó, qua nỗ lực tự thân, anh từng bước nâng cao tri thức quân sự, trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ, có học hàm, học vị (PGS-TS) và kinh qua các chức vụ: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 - Quân khu 5, Phó Tư lệnh Quân khu 5, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng rồi Giám đốc Học viện Quốc phòng; được thăng quân hàm Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Quân ủy Trung ương (2011 - 2016).

Người con khác của quê tôi là Nguyễn Văn Lưu (SN 1962), người làng Trang Điền, lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, dựa vào ý chí kiên cường từng bước vươn lên trên đường thăng tiến và anh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh, giữ chức Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè. Cuối tháng 3.2020, anh được điều về giữ chức Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.Hồ Chí Minh...

2. Đại dịch Covid-19 đã làm cho thế giới điên đảo; Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tại Quảng Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các đợt bùng phát của dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được khống chế.

Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Quảng Nam vẫn đăng cai tổ chức “Năm du lịch quốc gia”. Điều này, Quảng Nam khẳng định, tuy dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thậm chí khá phức tạp, nhưng toàn dân đồng lòng nên về cơ bản đã trụ được trong gian khó.

Khách du lịch đến Quảng Nam không chỉ đến vùng đất giàu truyền thống văn hóa qua 2 di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, mà còn thưởng thức cái nắng dịu ngọt cùng sóng biển rì rào suốt 125km với những bãi tắm đẹp, như Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành),… nhất là Cù Lao Chàm - cụm đảo ven bờ với hệ sinh thái phong phú được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Quảng Nam còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La đã và đang được các nhà khoa học thế giới quan tâm.

Muốn biết tinh thần kiên trung trong quá khứ chưa xa, khách du lịch có thể tham quan công trình văn hóa cấp quốc gia Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, lớn nhất Đông Nam Á, dưới chân núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ. Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ, người làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, Điện Bàn.

Mẹ Thứ có chồng, 9 con, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Con gái của mẹ là Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và 2 con là liệt sĩ. Quảng Nam cũng là tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất nước, tính đến hết tháng 11.2021 toàn tỉnh có 15.315 mẹ, trong đó có 480 mẹ còn sống.

Nhớ đến đây, tôi hy vọng lớp con cháu dù được sinh ra và trưởng thành ở xứ khác vẫn không quên nơi ông cha chúng lớn lên từ mùi bùn đất quê nhà. “Quảng Nam quê mình như rứa đó, con ơi!”.

VU GIA