Chuyện học của người con Bình Dương

TRẦN TRUNG SÁNG 26/12/2021 07:35

Xã Bình Dương (Thăng Bình) vốn được biết đến là địa phương ba lần anh hùng, bởi cuộc chiến đấu kiên cường trong một thời bom đạn, ngày nay còn nổi tiếng là nơi có nhiều thế hệ học sinh kế tiếp nhau nỗ lực vươn lên, mang theo con chữ từ miền cát trắng vào đời. Bạn tôi, Lê Ngọc Tuấn (sinh năm 1965) là một trong số đó.

Sông nước Trường Giang.
Sông nước Trường Giang.

Ký ức chiến tranh

Một buổi sáng những ngày cuối năm, vòng từ quốc lộ 1 khu vực Thăng Bình, rẽ vào Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà chị Hải, chị ruột anh Lê Ngọc Tuấn. Nơi đây, cảnh quan nhà cửa dọc hai bên thanh bình lạ thường, khó có thể hình dung được, đây từng là khu Căn cứ lõm thời chiến tranh, khốc liệt ngày xưa.

Hồi đó, cũng như hầu hết những gia đình khác ở Bình Dương quyết tâm bám trụ tại Căn cứ lõm, vợ chồng ông Lê Dung và bà Võ Thị Phương (cha mẹ anh Tuấn và chị Hải) vẫn sinh sống làm ruộng nương cùng 6 người con, quanh quẩn khu vực gần nhà, sẵn sàng ẩn nấp tránh các đợt càn quét bom đạn từ địch. Và một biến cố quan trọng nhất xảy ra vào năm 1968.

Lúc đó, khoảng gần trưa, máy bay giặc thám thính rà tìm mục tiên thả bom, phát hiện một toán bộ đội khu vực gần nhà, liền lập tức áp sát thả bom xăng. Cả nhà đều tuôn chạy vào hầm. Vài đứa trẻ trong đó có Tuấn và Hải cũng chạy theo cha về gần miệng hầm phía sau.

Mẹ bồng hai em nhỏ chạy sau cùng mấy chú bộ đội, chỉ kịp đến ngay miệng hầm phía trước thì bị trúng bom. Mấy chú bộ đội chạy lên miệng hầm bị cháy sém, mẹ và hai em nhỏ cũng ở cửa hầm đó chạy ra bị thương nặng và không qua khỏi. Cả nhà đều bị thương. Ba ôm Tuấn cùng Hải và người anh tên Châu chạy thoát miệng hầm sau, được bộ đội cứu chữa.

Câu chuyện của vợ chồng chị Hải chỉ hé lộ cho chúng tôi biết chút đỉnh về hoàn cảnh gia đình sống sót qua bối cảnh chiến tranh, rồi chủ yếu nói về cảnh ngộ “gà trống nuôi con” của ông Dung. Chị Hải kể, hồi còn ở trong khu dồn, cho đến sau 1975, cha đã rất chú ý chăm lo việc học hành dành cho Tuấn, chỉ riêng mình Tuấn là phải tập trung việc học.

Hồi nhỏ sau mỗi buổi học, Tuấn đều về phụ cha chẻ củi. Vì thường ngày mỗi sáng sớm cha gánh một gánh củi ra bán chợ Nồi Rang (một ngày gánh ba gánh như thế). Vậy mà hồi đó, Tuấn là người đầu tiên ở xã Bình Dương thi đỗ vào đại học. Tuấn ra trường, đi làm chưa bao lâu thì cha mất năm 1989. Đến nay, mỗi lần Tuấn về nhà, nhắc đến cha đều không cầm được nước mắt.

Bóng cha đổ dài con chữ

Chuyện trò với chúng tôi, anh Lê Ngọc Tuấn cũng nói rằng, biến cố xảy ra ở căn hầm năm nào làm cho anh mất mẹ và hai em vẫn ám ảnh anh suốt cuộc đời, dù khi đó anh hãy còn rất nhỏ. Sau này vào vùng tản cư ở Thanh Ly, giặc dồn vào ấp chiến lược, cha và chị đi làm thuê để kiếm sống, nhưng lúc nào rảnh rỗi, cha cũng chú ý nhắc nhở, dạy dỗ Tuấn việc học. Do đó, những gì liên quan trong đời Tuấn đều xuất phát từ ảnh hưởng người cha.

Bóng dương trên những cánh đồng.
Bóng dương trên những cánh đồng.

Đến năm 1975, chiến tranh kết thúc, gia đình mới về lại Bình Dương, Tuấn tiếp tục theo học lớp 4. Đến năm lớp 5, Tuấn là người đầu tiên ra Thăng Bình dự thi học sinh giỏi và đoạt giải nhì môn Toán, sau đó chọn đi thi tỉnh và tiếp tục gặt hái giải nhì. Đến lớp 9, Tuấn cũng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và là người duy nhất ở Thăng Bình được giải 3 môn Toán.

Ở học kỳ 2 năm lớp 10, Tuấn được tuyển vào lớp chuyên Toán tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gồm 13 người, được nhà nước nuôi ăn học. Lớp chuyên lúc đó là tiền thân của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) bây giờ. Từ năm 1984 - 1988, Tuấn học Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

“Tốt nghiệp ra trường, lúc đó tổ chức dự kiến phân công về dạy Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch (gần Hòa Khánh), cùng lúc ở Gia Lai - Kon Tum cử người xuống nhận người về địa phương họ. Qua lục tìm hồ sơ, họ nhìn thấy học lực mình giỏi lại thể hiện nguyện vọng sẵn sàng tham gia nhận nhiệm vụ tại bất cứ nơi nào, dù khó khăn nên họ nhận ngay” - anh Tuấn nhớ lại.

Đầu tiên, anh Tuấn công tác ở Phòng Tổng hợp Gia Lai - Kon Tum vào tháng 10.1988, cuối tháng 9 qua làm chuyên viên HĐND của Gia Lai - Kon Tum. Tháng 10.1991 chia tách tỉnh, anh Tuấn về làm ở tỉnh Kon Tum.

Từ năm 1992 làm Thư ký riêng của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến năm 1998, làm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đến năm 2004 làm Chủ tich UBND huyện Ngọc Hồi. Năm 2010, làm Giám đốc Sở KH-ĐT, năm 2017 làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tháng 10.2020 là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.

Ân tình

Cô giáo Nguyễn Thị Pháp, giáo viên lớp 8B (năm học 1979 - 1980) của Tuấn kể lại: “Lúc đó tôi mới ra trường về dạy tại Trường THCS Bình Dương. Ở lớp học này, tôi làm chủ nhiệm dạy môn Ngữ văn và cảm nhận Tuấn là một học sinh rất đằm tính, nhưng năng nổ trong học tập. Một lần, huyện Thăng Bình tổ chức thi học sinh giỏi, tôi động viên Tuấn tham gia vì nhận thấy em rất triển vọng. Kết quả lần đó, em đoạt giải nhì, về sau được ngành giáo dục tổ chức bồi dưỡng và chuyển ra Đà Nẵng học.

Cùng thời điểm đó, tôi được chuyển công tác về Đà Nẵng vì gia đình sinh sống tại đây. Khi ấy, Tuấn thường xuyên ghé đến nhà tôi để nhận sự hỗ trợ, khuyến khích em trong hoàn cảnh xa nhà. Sau kỳ thi đại học, em về quê lo cùng cha đào gốc dương làm củi phụ gia đình sinh sống.

Lúc nhận tin em trúng tuyển đại học, tôi nhờ chồng chạy về quê, đưa em ra lại Đà Nẵng lo việc học. Gia đình tôi lo liệu cho em các bước chuẩn bị quần áo, sách vở, tư trang và đưa em đến giảng đường. Nhìn lại tôi rất vui, thấy mình đã góp phần giúp Tuấn từ một học trò nghèo vượt khó học giỏi, nay đã trưởng thành, công tác hữu ích cho xã hội…”.

Với anh Lê Ngọc Tuấn, Kon Tum là quê hương thứ hai của mình. Nơi đây cũng là tỉnh nghèo thuần nông khó khăn như Quảng Nam xưa kia, nên giờ đây, ở cương vị lãnh đạo, anh luôn có khát khao làm những gì tốt nhất để góp phần đem đến sự phát triển cho địa phương.

Trong khi đó, nhắc về miền đất cát trắng Bình Dương ở quê hương xứ Quảng thời thơ ấu, Lê Ngọc Tuấn nói: “Mỗi năm tôi vẫn về quê nhiều lần, vì gia đình, anh em, họ hàng còn nhiều. Ngày nay, cuộc sống Bình Dương tuy đã khá hơn xưa, nhưng thực tình nhận thấy vẫn chưa tương xứng với những gì mà nhân dân địa phương này đã đóng góp, hy sinh qua cuộc chiến tranh khốc liệt.

Nhờ có một số dự án đầu tư của nhà nước vào vùng ven Thăng Bình, trong đó có Bình Dương, nhưng cuộc sống người dân nhìn chung vẫn là trung nông. Theo tôi, tại đây muốn dân khá lên phải có cơ sở chế biến nông sản cùng những hướng đầu tư bền vững.

Cần chú trọng bảo tồn, tôn vinh giá trị các di tích truyền thống. Đừng để cho các thế hệ sau thất vọng về lớp người đi trước. Với riêng mình, tôi luôn cố gắng nỗ lực trong mọi hoàn cảnh. Tôi luôn dạy con mình phải ra sức học tập, vượt khó để góp chút gì cho xã hội, quê hương…”.

TRẦN TRUNG SÁNG