Vọng tiếng xứ trăm nghề

SONG ANH 06/12/2021 11:42

Dọc theo sông mẹ Thu Bồn, những làng nghề hàng trăm năm vẫn còn đó, như một bảo chứng về sự trường tồn của những giá trị lịch sử. 

Cùng với vốn liếng của tiền nhân, làn sóng người Việt di cư mạnh mẽ đến xứ Quảng vào thế kỷ 16 đã làm cho đất này vốn trù phú, giàu có về các loại ngành nghề nông - lâm - thủy hải sản trở nên phong phú hơn bởi sự tiếp biến, hình thành thêm một số nghề thủ công… Hơn 60 làng nghề thủ công truyền thống hình thành trên 100 năm đã cho thấy sức sống bền bỉ của những giá trị đặc biệt này.

Truyền nghề. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT
Truyền nghề. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Hãy thử làm một cuộc kiểm đếm để thấy nội lực của những làng nghề xứ Quảng. Đầu tiên, phải kể đến nghề nông. Một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Quảng Nam cho rằng, nếu trong lộ trình bảo tồn nghề nghiệp của đất Quảng mà quên đi câu chuyện của những nông dân, với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, hay quên đi vị thơm cay nồng của những rau Trà Quế, quế, trầm… thì hẳn, chưa đủ để dệt nên bức tranh của làng nghề xứ Quảng.

Những nghề nông, nghề mộc, nghề dệt, nghề rèn, nghề đúc đồng, nghề gốm… đã bảo lưu trọn vẹn giá trị văn hóa nơi đất cũ cùng nét mới của lưu dân, hình thành nên bản sắc cho xứ Quảng Nam.

Ông Tôn Thất Hướng (Sở VH-TT&DL) cho biết, ở góc độ địa văn hóa, trục tam giác Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên là nơi tụ hội của văn hóa xứ Đàng Trong. Trong tam giác này đã hình thành nhiều làng nghề nổi tiếng.

Làng mộc Kim Bồng có tuổi hơn 600 năm, do những người Việt đầu tiên vào khai khẩn vùng đất. “Qua quá trình giao lưu, nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu truyền thống điêu khắc chạm trổ của các dân tộc Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với bàn tay tài hoa của mình đã tạo ra những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học” - ông Tôn Thất Hướng chia sẻ.

Những giao thoa, tiếp biến, theo các nhà nghiên cứu, đến nay vẫn còn đậm nét trong nếp ăn, nếp ở, cách nghĩ cách làm của người dân ở vùng dinh trấn cũ. Suốt hơn 700 năm qua, vùng dinh trấn Thanh Chiêm một thuở vẫn giữ cốt cách của một vùng đất có số phận đặc biệt từ chính các nghề nghiệp, làng nghề có tuổi đời ngang ngửa.

Làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn) với những phường thợ ngoài tay nghề còn có trình độ thẩm âm tinh tế. Ngoài nhạc khí, họ còn làm ra cả tượng và phù điêu, lư đồng, đèn đồng. Nếu miền Bắc tự hào với gốm Phù Lãng, Bát Tràng thì gốm Thanh Hà là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Quảng… Hay mùi vị tươm lên nơi đầu lưỡi của những gánh mỳ Phú Chiêm ở phía này sông…

Ở điểm cuối trên cung đường di sản, ngang qua Đông Yên - Thi Lai, với giai thoại về mối tình của Bà Chúa Tàm Tang, hẳn sẽ khiến nhiều người bồi hồi với khung cửi xưa. Những mảnh lụa tơ tằm từng theo chân thương thuyền đi khắp năm châu đang được hồi sinh.  

Một “Trung tâm trưng bày phát triển sản phẩm làng nghề Quảng Nam” đang dần hình thành với mục tiêu chấn hưng các làng nghề Quảng, liên kết giữa người làm nghề và người kinh doanh để tìm thị trường cho sản phẩm làng nghề.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, trung tâm sẽ duy trì các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề Quảng Nam thông qua các sản phẩm chủ lực như OCOP.

“Chúng tôi muốn tạo niềm tin cho người làm nghề truyền thống. Họ có thể sống được, sống tốt, một khi biết quý trọng và giữ gìn vốn liếng, tinh hoa của cha ông” – ông Tiếp nói.

Mới biết, mỗi làng nghề chính là nơi bảo tồn hoàn hảo nhất các dấu ấn của từng vùng đất...

SONG ANH