Kiện toàn bộ máy, thích ứng để phát triển
Ngày 1.12, Tỉnh ủy (khóa XXII) tổ chức hội nghị lần thứ 6 dưới sự chủ trì của các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị Tỉnh ủy lần này thống nhất biểu quyết thông qua và ban hành 3 nghị quyết: Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025.
Xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế
Nghị quyết năm 2022 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó xác định tập trung xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
“Việc tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết tại hội nghị lần này là tiền đề quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII vào cuộc sống.
Tôi đề nghị từng đồng chí trên cương vị công tác của mình, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị kịp thời lãnh đạo, tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghị quyết đã được hội nghị đã thông qua.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão.
Tổ chức nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân theo quy định. Quan tâm chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người có công cách mạng, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo tất cả mọi người được đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn và lành mạnh”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)
Trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị quyết của Tỉnh ủy khẳng định, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07 ngày 4.5.2021 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Về phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển, Nghị quyết của Tỉnh ủy nêu rõ: Tiếp tục hoàn chỉnh, thực hiện quy hoạch cảng biển Chu Lai thành cảng biển quốc gia (cảng loại 1), là đầu mối trung chuyển vùng, kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với đường biên quốc tế. Hoàn thành nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà cho tàu 2 vạn tấn lưu thông thuận lợi. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới, nông thôn văn minh gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Điểm mới lần này, Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định chủ đề công tác năm 2022 của Tỉnh ủy là “Kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo đó, Tỉnh ủy nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị.
Với tinh thần chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh ủy xác định triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04 ngày 12.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Về cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS).
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ
Trên cơ sở những kết quả đạt được và nhìn nhận các mặt còn hạn chế, khó khăn của công tác cán bộ nhiệm kỳ 2016 - 2020, dự thảo Nghị quyết mới về công tác cán bộ xác định mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính kế thừa và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Tập trung thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ; cụ thể hóa, hoàn thiện hệ thống văn bản để tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tiếp tục tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chia sẻ về nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu của dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín nhấn mạnh: “Chủ động phát hiện và đào tạo cán bộ có tầm nhìn xa, có chiến lược để hình thành lớp thế hệ nhân lực, nhân tài có bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo. Đổi mới phương pháp, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng sát với tình hình thực tiễn địa phương, phù hợp với từng loại hình cán bộ, công chức.
Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng cán bộ phải đảm bảo dân chủ, kịp thời, đúng quy trình, quy định của Đảng và Nhà nước; phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh cán bộ theo quy định. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, chú trọng đánh giá kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao và năng lực thực tiễn của cán bộ”.
Công khai kết quả xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phan Thái Bình khẳng định như vậy khi trình bày dự thảo Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 – 2025. Trong 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của dự thảo nghị quyết, ông Phan Thái Bình cho biết, nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Theo đó, đầu nhiệm kỳ và hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lắp nhưng không bỏ sót, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tăng cường giám sát chuyên đề. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, những vấn đề mới, phát sinh bức xúc nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm.
Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm những vấn đề phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Qua giám sát, nếu phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời chuyển UBKT để kiểm tra, xử lý. UBKT các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành.
“Tập trung kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như kinh tế, tài chính; đầu tư công, xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là công tác cán bộ. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra, không chờ kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát” – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình nhấn mạnh.