Đô thị đặc thù chật vật xoay xở
Hôm qua 23.11, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo TP.Hội An để thống nhất các giải pháp hỗ trợ đô thị cổ này gượng dậy trong ngắn hạn cũng như phát triển bền vững với tầm nhìn dài lâu.
Muôn nỗi khó
Hai năm qua, Hội An là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch Covid-19. Du lịch chập chờn thậm chí có lúc đóng băng khiến việc vận hành, phát triển đô thị di sản này cũng “nghẽn” theo. Hầu hết chỉ số kinh tế suy giảm, trong đó du lịch - thương mại - dịch vụ giảm rất sâu. Đến thời điểm này của năm 2021, Hội An chỉ mới đón 158 nghìn lượt khách.
Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An thông tin, doanh số ngành du lịch giảm mạnh làm ngân sách hụt thu nặng nề. Nhiều công trình ban đầu có trong kế hoạch 2021 nhưng do thu không đạt nên phải chuyển cho những năm sau. Việc giải ngân tiền đầu tư phát triển, nhất là cho xây dựng cơ bản bị hạn chế.
Với quỹ đất không mấy dồi dào, Hội An khá chật vật trong việc xoay xở quỹ đất phát triển. Một số khu vực, diện tích đất hiện không sử dụng như khu đất số 542 Hai Bà Trưng, trụ sở cũ của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công anh tỉnh), 2ha đất quốc phòng (trước đây thuộc Trung đoàn 885)… nhưng lại phát sinh nhiều vướng mắc tới cấp bộ, ngành trung ương khiến thành phố chưa thể sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình công cộng.
Việc chênh lệch mức giá bồi thường theo thời điểm bồi thường do các quy định cập nhật cũng khiến địa phương này gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, ở một số khu vực, các hộ dân đề xuất được tách thửa bởi nhu cầu chính đáng, nhưng theo quy định hiện hành thì không được, từ đó dẫn đến dùng dằng trong việc bàn giao mặt bằng khiến công việc chung bị trì trệ.
Đề xuất được ủy quyền, phân cấp mạnh hơn trong một số lĩnh vực để thuận lợi cho quá trình phát triển đô thị của Hội An trong giai đoạn tới, cũng là một trong những vấn đề được nêu ra.
Cấp giấy phép, phê duyệt đầu tư hệ thống bến thủy nội địa theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; được lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí đối với các dự án có quy mô diện tích dưới 10ha hoặc tổng vốn dưới 100 tỷ đồng; được ban hành quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý khi cần thiết; quản lý, sử dụng các ngôi nhà số 27, 29 đường Phan Bội Châu để làm trung tâm điều phối thực hiện đề án phục dựng “Phố văn hóa Việt - Pháp”… là những mong muốn của TP.Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Ở Hội An có nhiều thứ rất đặc thù, ví như cầu tàu thì cũng chỉ có quy mô rất nhỏ cho ghe, thúng neo phục vụ du lịch chứ không mấy kiên cố, nhưng lâu nay muốn làm thì phải xin giấy phép nhiều cơ quan, đơn vị, nếu không sẽ vi phạm quy định”.
Tạo điều kiện trong khuôn khổ
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã cùng Hội An tích cực xây dựng cơ chế đặc thù về bảo tồn phát huy di sản văn hóa thế giới, tuy nhiên qua hai lần xúc tiến vẫn chưa được xem xét ban hành. Được biết, đây vẫn là một trong các nội dung mà Quảng Nam đăng ký chương trình công tác với Chính phủ, trong đó có lồng ghép với Khu di tích Mỹ Sơn để tăng tính thuyết phục.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho hay, phần lớn các khu đất mà Hội An muốn được bàn giao để phát triển đô thị hiện còn nhiều vướng mắc và cần làm việc rõ với các đơn vị liên quan về cách thức thu hồi cũng như một số thủ tục, nếu không sẽ rất khó tháo gỡ.
Với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính đề xuất, Hội An là địa phương có nguồn tiền nộp trích quỹ này, có địa điểm xây dựng và có nhu cầu thực sự nên cần thiết nghiên cứu làm thí điểm một dự án nhà ở xã hội để thử nghiệm tính hiệu quả của mô hình này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường lưu ý, Hội An cần tổng kiểm kê quản lý nhà đất, tránh thất thoát, nhùng nhằng như thời gian qua. Từ đó mới có cơ sở để quản lý chặt chẽ, phát triển bền vững đô thị. Đối với việc phát triển Cù Lao Chàm thành khu du lịch quốc gia đặc thù, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thống nhất về mặt quan điểm.
Tuy nhiên lưu ý Hội An cần có cái nhìn tổng thể về tích cực lẫn hạn chế một khi điều này thành hiện thực, để có cách ứng xử phù hợp. Về ủy quyền quyết định các bến thủy nội địa quy mô nhỏ, lãnh đạo tỉnh xem đây là đề xuất hợp lý, Hội An và các đơn vị quản lý liên quan cần phối hợp để tháo gỡ.