Xây dựng nông thôn mới: Nên điều chỉnh mục tiêu và phát huy nguồn lực
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là CTNTM). Quảng Nam sẽ căn cứ chủ trương, quy định mới để quyết định cụ thể về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện CTNTM trong thời gian đến. Dựa theo Dự thảo hỗ trợ thực hiện CTNTM trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, có thể đề xuất điều chỉnh một vài mục tiêu và nguồn lực.
Thành quả 10 năm thực hiện CTNTM của Quảng Nam đã được nêu nhiều, chỉ xin nhắc lại con số dễ nhớ, có thể đánh giá nhanh thành quả. Đó là, đến cuối năm 2020, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh (194 xã) là 15,96 tiêu chí/xã; có 113 xã/194 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 58%; Phú Ninh, Duy Xuyên đạt chuẩn huyện NTM; Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Người dân và cán bộ các cấp ít nhiều đã có những kinh nghiệm trong thực hiện CTNTM. Như vậy, vốn liếng để thực hiện CTNTM giai đoạn 2021 - 2025 hơn hẳn 2 giai đoạn trước. Tuy nhiên, các xã còn lại chưa đạt chuẩn, là những xã khó khăn, trong đó các xã vùng núi cao vốn nghèo khó, bị thiên tai năm 2020 gây thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt dịch Covid-19 gây ảnh hưởng về dân sinh kinh tế, nguồn thu ngân sách của tỉnh và cả nước; nhiều mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội phải tính toán lại...
Cần giảm số thôn/xã đạt chuẩn
Cần rút ngắn bớt mức độ chênh lệch trong thành quả CTNTM. Cần “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn NTM, nhất là các xã an toàn khu, xã dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và đảm bảo bền vững” (Nghị quyết 25/2021/QH15 của Quốc hội).
Theo đó, nâng số xã, số thôn đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là đạt chuẩn NTM), nâng mức bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh và các tiêu chí khác về thu nhập, giảm nghèo là nhóm các mục tiêu ưu tiên hàng đầu, cần xác định phù hợp, khoa học để gắn với kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Sau đó, xã NTM nâng cao (NTMNC), xã NTM kiểu mẫu (NTMKM); huyện NTM, huyện NTMNC/KM là nhóm các mục tiêu phấn đấu, gắn với thi đua, khen thưởng những địa phương thực hiện tốt.
Mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 42 xã đạt chuẩn NTM và duy trì, nâng chuẩn cho 113 xã đã đạt chuẩn NTM để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 155/194 xã, chiếm tỷ lệ 80%; có thêm ít nhất 240 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; tiếp tục duy trì, nâng chuẩn 171 thôn đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 và chỉ đạo, hỗ trợ 170 thôn chưa đạt chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục thực hiện để đạt chuẩn.
Những chỉ tiêu này là khá cao, nên xem xét điều chỉnh giảm số xã/ thôn đạt chuẩn NTM phù hợp, để tránh hai khuynh hướng bất cập: dễ rơi vào chủ nghĩa thành tích, hình thức hoặc đầu kỳ đăng ký xã/thôn đạt chuẩn để tranh thủ vốn hỗ trợ, cuối kỳ báo cáo xin điều chỉnh ra ngoài danh sách phấn đấu đạt chuẩn. Các mục tiêu về xã NTMNC/KM và huyện NTM, huyện NTMNC/KM sẽ khả thi hơn nếu chọn phương án 2 của dự thảo đề án (có thêm 32 xã NTMNC, 8 xã NTMKM, 2 huyện NTM), ngay cả khi khả năng nguồn vốn đảm bảo theo phương án chọn.
Phát huy nguồn lực
Nguồn lực về vốn và sự chỉ đạo, hỗ trợ cần theo thứ tự ưu tiên về mục tiêu. Các xã phấn đấu đạt chuẩn NTMNC/KM chủ yếu dựa vào phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, tạo tính bền vững khi không còn đầu tư hỗ trợ của CTNTM. Huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTMNC/KM, chủ yếu dựa vào lồng ghép từ các nguồn vốn được phân bổ.
Vốn của chương trình từ nguồn trung ương và tỉnh, dự kiến định mức phân bổ (trong 5 năm) khoảng 15 tỷ đồng/xã cho xã phấn đấu đạt chuẩn và khoảng 2,5 tỷ đồng/xã cho các xã dưới 15 tiêu chí, là thấp, cần tính toán tăng thì mới có thể đạt mục tiêu ưu tiên. Giảm mức hỗ trợ cho xã NTMNC, huyện NTM; thay định mức bố trí ngân sách trung hạn bằng mức thưởng cho xã đạt NTMKM và huyện NTMNC/KM.
Xét cho cùng, thu nhập là tiêu chí trực tiếp quyết định chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn. Trong phương án phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cần chú trọng nhiều hơn các giải pháp chuyển dịch lao động sang các khu vực phi nông nghiệp. Trong đó, chương trình OCOP cần khuyến khích các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hiệu quả hơn. Nông nghiệp hướng mục tiêu sản xuất sản phẩm hàng hóa thay cho năng suất, khối lượng nông sản thô.
Chuyển trọng tâm chỉ đạo sản xuất theo tư duy cũ sang ưu tiên những nội dung nào nếu thiếu sự chỉ đạo, hỗ trợ thì nông dân không tự làm được. Quy hoạch, bố trí vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác - liên kết gắn với sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ (hoặc các tiêu chuẩn khác). Từ đó, cấp mã số vùng sản xuất và hỗ trợ làm truy xuất nguồn gốc nông phẩm đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và vào các cửa hàng thực phẩm sạch trong nước.
Đây là nội dung mới và khó, cần làm mô hình điểm trước, sau đó mở rộng dần ở các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, diện tích cây trồng sản xuất tập trung có xuất khẩu hoặc liên kết tiêu thụ trong nước.