Nhanh hơn với truyền thông số
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” như thiên tai, dịch bệnh, việc thông tin, tuyên truyền đến người dân trở nên nhanh chóng, thuận tiện và kịp thời hơn nhờ ứng dụng nhiều nền tảng truyền thông số.
Mọi lúc mọi nơi
“Đề nghị người dân đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và cùng đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Đó là lời nhắc nhở mà người sử dụng điện thoại di động được nghe mỗi khi bấm máy gọi đến số thuê bao khác.
Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 phức tạp, là người làm nghề lái xe, thường xuyên phải di chuyển nhiều nơi, ông Nguyễn Văn Sỹ (38 tuổi, trú phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) luôn ý thức đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn khi ra đường.
Được hỏi, có thấy phiền khi phải nghe lời nhắc nhở của nhà chức trách mỗi khi gọi điện thoại, ông Sỹ cho biết không thấy khó chịu, ngược lại còn giúp bản thân có ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh.
“Nghe một, hai, ba lần không để ý nhưng lâu dần nó như chuông báo thức, nhắc nhở bản thân mình phải chấp hành nghiêm quy định phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng” - ông Sỹ bộc bạch.
Thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế, chị H.T.T.L. (31 tuổi, nhân viên khách sạn) cho biết cài đặt Bluezone trên điện thoại từ đầu năm 2021 nhưng hầu như rất ít khi vào ứng dụng. Tuy nhiên, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, do từng đi đến TP.Đà Nẵng về Quảng Nam nên chị đã vào ứng dụng Bluezone để khai báo y tế.
Chị nhận thấy Bluezone không chỉ thuận tiện cho người dân khai báo y tế trực tuyến, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm, mà còn cung cấp thường xuyên, nhanh chóng về thông tin dịch bệnh Covid-19 trên cả nước.
“Cuối tháng 5 vừa rồi, dịch bệnh ở TP.Hồ Chí Minh bùng phát với ổ dịch phức tạp. Khi đó gia đình tôi phải theo dõi thông tin dịch từng giờ, từng ngày để quyết định cho em gái đang học tập ở đó về quê hay không.
Khi đó, qua ứng dụng Bluezone, tôi luôn bật bluetooth trên điện thoại để nhận, theo dõi các thông tin về dịch bệnh. Nhờ đó tôi dự báo được tình hình dịch sẽ phức tạp lên nên khuyên em gái về quê kịp thời dù phải chấp nhận cách ly y tế” - chị L. nói.
Có thể thấy, việc tiếp cận thông tin của người dân hiện nay rất đa dạng. Các nhà quản lý cũng đã và đang ứng dụng triệt để các kênh thông tin này để truyền tải nhanh chóng thông tin cần thiết đến người dân. Dễ thấy nhất, trước ngày bầu cử 23.5 vừa qua, không chỉ qua tin nhắn điện thoại, nhiều địa phương đã ứng dụng kênh zalo, facebook… để thông tin, nhắc nhở người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian, quy định.
Thông tin hai chiều
Trong lộ trình chuyển đổi số, Quảng Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt và hành động mạnh mẽ. Chỉ trong thời gian ngắn, khá nhiều hạ tầng, ứng dụng liên quan đến chính quyền điện tử đã được đầu tư xây dựng. Không chỉ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng còn là kênh truyền thông giúp chính quyền truyền tải thông tin đến người dân dễ dàng; đồng thời là kênh để tiếp nhận kiến nghị, phản ảnh của người dân đến chính quyền.
Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong thời đại Công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin tác động đến mọi ngành nghề của xã hội. Và tất nhiên, lĩnh vực truyền thông không thể đứng ngoài cuộc xu hướng này.
Tại Quảng Nam, ứng dụng truyền thông số đã và đang có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã thành lập Tổng đài 1022 Quảng Nam. Tổng đài tiếp nhận, xử lý và trả lời yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua nhiều kênh như thoại, SMS, mạng xã hội Facebook, Zalo. Từ khi thành lập đến nay tổng đài đã tiếp nhận và trả lời hàng trăm ý kiến của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa vào vận hành phần mềm dùng chung cho người dân và doanh nghiệp với tên gọi “Smart Quảng Nam”. Đến nay có hơn 3.500 cán bộ công chức, người dân đã cài đặt ứng dụng. Không chỉ cung cấp kịp thời các thông tin chính thống cho người dân và doanh nghiệp về nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, hoạt động của chính quyền, ứng dụng Smart Quảng Nam cũng là kênh phản ánh hiện trường bằng thông tin và hình ảnh đã tiếp nhận và xử lý nhiều kiến nghị của người dân...
Đầu tư cho truyền thông số cũng được tỉnh quan tâm khi HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết 28 về hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông giai đoạn 2021 - 2023. Qua đó 76 xã sẽ được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh quản lý nội dung tập trung và số hóa dữ liệu phát sóng.
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nói, ứng dụng công nghệ thông tin (như hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, liên thông văn bản…) đã giúp công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện được xuyên suốt, tránh bị gián đoạn.
Công tác thông tin tuyên truyền tình hình dịch bệnh đến người dân được thực hiện nhanh chóng nhờ sử dụng hình thức nhắn tin đến người dân qua đầu số SMS của UBND tỉnh. Nếu như trước đây phải thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống mất nhiều thời gian và dễ bỏ sót đối tượng thì với việc đưa thông tin qua điện thoại di động, hầu hết người dân nắm bắt tin tức kịp thời, chính xác hơn nhiều.