Kinh tế lại thấp thỏm trước đại dịch
Không thể để nền kinh tế bị tê liệt, nhưng phòng chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề này được đề cập nhiều nhất tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ vào sáng qua 4.5.
Hồi phục sản xuất, kinh doanh
Sản xuất, kinh doanh đã phục hồi trong vòng 4 tháng qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 32,2%. Chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 28,4%), sản xuất và phân phối điện (tăng 123%), cung cấp nước, xử lý rác thải (tăng 14,2%).
Ngay tháng 4.2021, chỉ số sản xuất than đá, than cứng tăng 50%, thủy sản tăng 66,4%, thức ăn gia súc tăng 56,2%, nước ngọt tăng 147%, ván ép tăng 90,7%, điện tăng 71,7% và sản xuất ô tô du lịch tăng gấp 6 lần.
Du lịch đang có dấu hiệu hồi phục. Tổng lượt khách lưu trú tháng 4 hơn 105 nghìn lượt (tăng 22,3% so tháng trước và tăng gấp 15 lần so cùng kỳ). Song, sự tăng trưởng này chủ yếu dòng khách nội địa.
Nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng. Hơn 6.000ha lúa đông xuân đã thu hoạch. Năng suất tăng 0,4 tạ/ha (59,2 tạ/ha). Dịch viêm da nổi cục trên bò không ảnh hưởng đến việc tăng đàn. Sản lượng khai thác thủy sản tăng 4% so cùng kỳ (27,8 nghìn tấn).
Lượng vốn tín dụng tiếp tục được bơm vào thị trường. Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho hay, dù tín dụng không đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn tăng 1,7% so đầu năm (tổng dư nợ cho vay 79.650 tỷ đồng).
Thu ngân sách nội địa gia tăng đáng kể. Chỉ 4 tháng đã bằng 47% dự toán, tăng 54% so cùng kỳ (7.567 tỷ đồng). Ở một góc nhìn khác, vướng mắc giải phóng mặt bằng hay nhiều dự án cần hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, dẫn đến vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế thấp. Tỷ lệ giải ngân đến 26.4.2021 chỉ hơn 676 tỷ đồng (đạt 12,7% kế hoạch vốn giao từ đầu năm). Giải ngân chủ yếu ở các công trình chuyển tiếp và thanh toán khối lượng.
Kháng thể nào cho nền kinh tế?
Đại dịch Covid-19 tiếp tục rình rập. Mọi kế hoạch, chương trình kích cầu du lịch bị đổ bể. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, tất cả đã phải tạm dừng. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nói, về dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò (chỉ 8 con chết) đã có vắc xin, không đáng để lo ngại. Nhưng duy trì diện tích lúa hè thu hết sức khó khăn trước thời tiết bất ổn.
Nền kinh tế mới vừa vận hành trở lại bình thường đã “gặp nạn”. Ông Phạm Trọng thông tin, hiện các ngân hàng thương mại đã tiếp nhận nhiều hồ sơ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay mới với lãi suất hợp lý để hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống đang nỗ lực kiểm soát nợ xấu. Tuy nhiên, sẽ khó mở rộng, gia tăng tín dụng nếu đại dịch bùng phát. Doanh nghiệp sẽ khó hấp thụ vốn hoặc không đủ khả năng trả nợ những khoản vay đến hạn.
Tăng trưởng hay không tùy vào sự kiểm soát dịch bệnh, khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng đã tái khởi động hiệu quả nền kinh tế. Doanh nghiệp dần hồi phục, duy trì sản xuất. Song nền kinh tế lại đứng trước khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. Chính quyền Quảng Nam đứng trước vô vàn khó khăn khi vừa kiểm soát dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu: “Dịch bệnh phải được khống chế, duy trì tốc độ tăng trưởng, không thể để nền kinh tế bị tê liệt”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo tiếp tục khẩn trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người trên tuyến đầu chống dịch và địa bàn trọng điểm. Các ngành, địa phương giải quyết ngay những “điểm nghẽn” để đưa dự án đầu tư (công, tư) vào hoạt động, không thể trì hoãn; khắc phục ngay điểm yếu về giải ngân.
Ngành nông nghiệp gấp rút tìm phương án chống xâm nhập mặn, bảo đảm nước sinh hoạt; điều chuyển ngay lực lượng chuyên trách được đào tạo chuyên nghiệp để dập tắt các đám cháy rừng. Toàn tỉnh rà soát, chấn chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư khởi động. Không để nền kinh tế bị suy kiệt, nhưng phòng chống dịch Covid-19 vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu.