Hỗ trợ xây dựng hạ tầng thủy lợi
Mới đây, Quảng Nam tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống thủy lợi nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình nông thôn mới (NTM).
Nguồn lực đầu tư lớn
Duy Xuyên có 11/14 xã, thị trấn tham gia thực hiện mô hình NTM gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Phước, Duy Sơn, Duy Thành, Duy Trung, Duy Châu, Duy Vinh, Duy Phú, Duy Tân, Duy Thu.
Ông Đoàn Công Minh - cán bộ chuyên trách NTM huyện Duy Xuyên cho biết, tại 11 xã vừa nêu có hơn 9.088ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, hầu hết địa phương đều ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Giai đoạn 2011 - 2020, 11 xã nêu trên đầu tư khoảng 73 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện, kiên cố hóa kênh mương... Nhờ vậy, đến nay có gần 8.471ha trong tổng số hơn 9.088ha đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động (đạt tỷ lệ 93,2%).
“Đầu tháng 11.2020, các ngành chức năng của tỉnh tiến hành thẩm định và kết luận tất cả 11 xã xây dựng NTM ở Duy Xuyên đều đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi” - ông Minh nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, 10 năm qua, hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương ngày càng được xây dựng hoàn thiện và đồng bộ. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình NTM kết hợp lồng ghép các kênh vốn khác, giai đoạn 2011 - 2020 Quảng Nam đầu tư hơn 1.833 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thủy lợi. Trong đó, xây dựng 456 công trình thủy lợi nhỏ (tưới hơn 7.092ha đất canh tác) với kinh phí hơn 618,3 tỷ đồng; xây dựng 253 công trình thủy lợi hóa đất màu (tưới 3.769,5ha) với kinh phí gần 235,2 tỷ đồng; kiên cố và tu sửa xấp xỉ 1.270km kênh mương loại 3 (tưới ổn định hơn 20.141ha) với kinh phí gần 981 tỷ đồng.
“Sau khi tiến hành sáp nhập một số đơn vị cấp xã, hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 200 xã thực hiện chương trình NTM. Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay toàn tỉnh có 169 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi (chiếm tỷ lệ 84,5%), tăng 70 xã so với năm 2015 và tăng 164 xã so với năm 2010” - ông Ngô Tấn nói.
Tiếp tục hỗ trợ
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ngày 13.1.2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, ngày 3.3.2021 UBND tỉnh có Quyết định số 559 quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ đầu tư cho từng khu vực.
Theo Sở NN&PTNT, các địa phương thụ hưởng cơ chế hỗ trợ trên được chia thành 3 khu vực. Khu vực 1 gồm Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành (trừ các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và xã đảo). Khu vực 2: Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn và các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đảo thuộc các huyện, thị xã, thành phố đã nêu tại khu vực 1. Khu vực 3: Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư kiên cố ít nhất 200km kênh mương (thuộc hệ thống thủy lợi nội đồng) với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm kiên cố ít nhất 40km với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 32 tỷ đồng, phần còn lại do địa phương bố trí ngân sách và huy động, lồng ghép các nguồn vốn.
Về cơ chế hỗ trợ, đối với khu vực 1 ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư công trình; ngân sách cấp huyện, cấp xã, hợp tác xã 30%. Đối với khu vực 2, ngân sách tỉnh hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư công trình; ngân sách cấp huyện 10%. Khu vực 3 ngân sách tỉnh hỗ trợ 95% tổng mức đầu tư công trình; ngân sách cấp huyện 5%. Riêng đối với các công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
Về phát triển thủy lợi nhỏ, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa ít nhất 25 công trình với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng. Bình quân hằng năm đầu tư ít nhất 5 công trình với mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh ít nhất là 12 tỷ đồng. Về cơ chế hỗ trợ, khu vực 1 ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư công trình nhưng không quá 3 tỷ đồng/công trình; ngân sách cấp huyện, cấp xã, hợp tác xã 30%.
Khu vực 2 ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 90% tổng mức đầu tư công trình nhưng không quá 3 tỷ đồng/công trình. Khu vực 3 ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 95% tổng mức đầu tư công trình nhưng không quá 3 tỷ đồng/công trình. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% đối với các công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý nhưng không quá 3 tỷ đồng/công trình.
Về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước dự kiến 5 năm tới sẽ đầu tư xây dựng ít nhất 50 công trình với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm đầu tư ít nhất 10 công trình với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng. Về cơ chế hỗ trợ, khu vực 1 ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 50% tổng mức đầu tư công trình nhưng không quá 40 triệu đồng/ha. Khu vực 2 ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư công trình nhưng không quá 60 triệu đồng/ha. Khu vực 3 ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 90% tổng mức đầu tư công trình nhưng không quá 80 triệu đồng/ha...