Tiếng lòng vọng mãi...
Một buổi sáng giữa năm 2011, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật gọi điện, nói thật ngắn: “Mang laptop ra cà phê Điểm Mới nhé”. Tôi gọi và cùng đi với anh Nguyễn Hòa, người cầm chịch trang Văn chương Việt. Nguyễn Đông Nhật cười cười và nói: “Làm sách cho tuyển thơ một đời của anh Tường Linh, nhưng không được lấy tiền công đó nha!”.
Ba chúng tôi vừa uống cà phê, vừa lên ý tưởng trình bày, vừa thực hiện luôn tại chỗ. Hôm sau, chúng tôi in bìa sách, đem đến cho nhà thơ Tường Linh xem. Ông rất vui khi nhìn thấy hình ảnh Hòn Kẽm Đá Dừng - “biểu tượng” quê nhà của lòng ông. Đó là lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Tường Linh. Cũng không biết đó lần duy nhất và cuối cùng!
Cầm tập thơ tặng của nhà thơ Tường Linh, cảm giác đầu tiên là… nặng: khoảng 700 trang in, giấy dày. Đây là tập thơ dày nhất tôi được tặng. Thi thoảng, tôi giở ra đọc đôi bài. Một ngày tháng 8, bốn năm sau, giữa 400 bài trong tập, không hiểu sao, tôi lại bị hút vào bài thơ có nhan đề “Tiếng nói”. Và cũng không hiểu vì sao, tôi ghi lại cảm nhận của mình về bài thơ ấy, khi tôi vốn không chuyên về việc bình thơ. Bài viết dài hơn 1.200 từ, tôi chỉ xin trích lại một đoạn cuối (dù biết làm thế “phá hủy” toàn cơ thể bài viết):
“Đoạn kết của bài thơ toát lên tâm sự của tác giả: Một người ngồi tĩnh mặc - một hồn rêu. Sự yên tĩnh này diễn tả cái im lặng - bất động tương tự như việc tọa thiền, của sự buông xả mọi ý nghĩ. Tiếp theo là, Ngôn ngữ đời thường không trở lại/ Tiếng nói phía sau đời vọng mãi/ Vọng mãi/ Đến muôn trùng xa thẳm bóng xuân thu. Tại sao không trở lại? Vì không ai có thể nhận biết được cái tiếng nói phía sau của cuộc đời mình. Và còn vọng đến muôn trùng bóng xuân thu, nghĩa là không thể xác định được thời gian - không gian của… cái bóng. Thủ pháp chồng tầng nghĩa này lên tầng nghĩa khác qua hình ảnh cái bóng (ở thì quá khứ) nhằm diễn đạt sự không có thật của thời gian và không gian.
Đến đây, “Tiếng nói” đã trở thành thứ tiếng vô thanh trong cuộc hành trình vô định. Và như thế, bài thơ là kết quả của những phút giây sáng tạo xuất thần, là lúc mà từ ngữ xuất hiện với nhiều tầng nghĩa nhất. Bài thơ không chỉ nói lên những suy niệm của riêng tác giả mà còn là của nhiều người trong chúng ta. Bởi vì cũng lắm khi, chúng ta đã từng tự hỏi như thế để rồi cũng rơi vào sự bế tắc, không thể trả lời…
Mới đó đã hơn 10 năm trôi qua! Nhân 49 ngày mất của nhà thơ Tường Linh, lật giở từng trang sách, tiếng lòng theo con chữ trải mênh mông...