Tết xanh

CHÂU NỮ 17/02/2021 10:35

Tết Tân Sửu này, nhiều gia đình Việt chọn một cái tết xanh, từ việc mua sắm sản phẩm xanh, tiết kiệm đến trang trí bằng sản phẩm tái chế, thực hiện phân loại rác…, để cùng góp phần bảo vệ môi trường.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ) trồng và chăm sóc hoa ngày cận tết. Ảnh: N.A
Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ) trồng và chăm sóc hoa ngày cận tết. Ảnh: N.A

1. Một người bạn tôi, quê Núi Thành, thay vì lì xì tiền, tết này anh mừng tuổi cho con trai tôi một ít hạt giống, gói trong bì giấy khéo léo. Con trai tôi có vẻ hứng thú với quà tặng khác lạ và độc đáo này, ngay lập tức cháu rủ mấy bạn nhỏ cùng xóm ra vạt đất trống bên hông nhà, gieo hạt, tưới nước và cứ vài tiếng đồng hồ lại ra thăm một lần, xem cây đã mọc hay chưa(!).

Chuyện lì xì hạt giống có vẻ mới, nhưng “Tết trồng cây” vì môi trường sống thì đã trở thành truyền thống ở Việt Nam. Khái niệm “tết xanh” có lẽ phát đi từ đây chăng? Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cho biết trồng cây ngày tết trở thành hoạt động thường niên ở gia đình chị. Mỗi mùa tết đến, mỗi người trong gia đình chị trồng ít nhất một cây xanh... Tất nhiên không phải gia đình nào cũng có đất rộng rãi như ở Tây Nguyên quê chị để trồng cây, song mỗi người vẫn có thể chuẩn bị những chậu nhỏ để gieo hạt.

Tại Quảng Nam, trước Tết Nguyên đán, nhiều trường tiểu học tổ chức cho học sinh gieo hạt vào từng chậu nhỏ và sau đó, chính những chậu cây ấy - đa số là cải mầm, đã trở thành món quà tết độc đáo và giàu ý nghĩa để các em mang về tặng gia đình, cha mẹ...

2. Trong những ngày tết, lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường thường nhiều gấp nhiều lần ngày thường. Thế nhưng, nhờ thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, rác hữu cơ được chôn lấp ngay trong vườn nhà để tái tạo phân xanh, hơn nữa lại sử dụng hầu hết sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế dùng bao ny lon nên lượng rác thải trong những ngày tết của gia đình bà Lê Thị Thanh Minh (xã Đại An, Đại Lộc) không nhiều.

Bà Minh tâm sự: Hầu như năm nào ở nông thôn rác thải cũng ùn ứ vào dịp tết, công nhân môi trường khá vất vả khi phải xử lý lượng rác thải lớn gấp nhiều lần ngày thường. Để chia sẻ gánh nặng với công nhân vệ sinh và thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, việc phân loại rác thải đã trở thành chuyện thường ngày ở gia đình bà, chứ không riêng ngày tết. Gia đình bà Minh còn tự làm những loại bánh mứt tết theo kiểu truyền thống. Đây là những loại bánh mứt sử dụng chủ yếu các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có trong vườn nhà, vừa tiết kiệm tài chính cho gia đình, vừa hạn chế tác động đến môi trường chung quanh.

3. Ngoài những hành động riêng lẻ ấy, năm nay nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng đã có sự đồng hành với cộng đồng vì một cái “tết xanh”. Trong đó, tiêu biểu là chương trình tặng quà cho khách hàng mang túi vải đi mua sắm của một số doanh nghiệp bán lẻ; chương trình tặng túi vải, túi thân thiện môi trường cho khách hàng của nhiều doanh nghiệp khác. Quỹ Alphanam (Alphanam Green Foundation) với mục đích thúc đẩy những sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, cũng đã phát động chiến dịch tết sạch, tết xanh. Theo đó, kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và chia sẻ mẹo tái chế rác từ các loại vỏ hạt dưa, hướng dương, hạt dẻ để giảm lượng rác ra môi trường.

Cũng trong dịp Tết Tân Sửu này, trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ rủ nhau thực hiện “tết xanh” - đón tết theo cách thân thiện với môi trường, thể hiện qua một số việc làm cụ thể như không đốt nhiều vàng mã, sử dụng đồ trang trí tái chế, sử dụng thực phẩm xanh…

Bí quyết sống xanh được nhiều bạn trẻ chia sẻ và tích cực hưởng ứng; từ công thức làm chất tẩy rửa sinh học; tận dụng lá chuối để gói thực phẩm; ăn ít thịt, nhiều rau xanh; cân nhắc khi mua sản phẩm đóng hộp, sản phẩm làm sẵn. Một bạn trẻ tham gia diễn đàn tết xanh cho rằng, chỉ cần mỗi người có một hành động nhỏ, như tiết kiệm cho bản thân, không lãng phí thức ăn, tự tay chế biến thực phẩm, mang giỏ đi chợ, là đã có thể góp phần bảo vệ môi trường, chứ không hẳn là phải làm những việc lớn lao.

Khởi đi từ tết xanh, hy vọng đây không chỉ là phong trào, mà là một lối sống bền vững để góp phần bảo vệ môi trường.

CHÂU NỮ