Người trẻ say mê
(Xuân Tân Sửu) - Họ là những người trẻ làm việc ở đủ mọi lĩnh vực. Mỗi người lựa chọn lối đi riêng, nhưng chúng tôi nhìn thấy ở đó, là sự quyết liệt đeo đuổi đến cùng con đường mình chọn, là những câu chuyện với tiêu chí vì cộng đồng được đặt lên hàng đầu.Nhìn vào những lát cắt nhỏ về một thế hệ trẻ của xứ Quảng, để thấy rằng, cái “mã nguồn” của một vùng đất, đã thật sự ăn sâu vào con người họ.
Nguyễn Thục Nữ: Chinh phục tri thức
Hơn một triệu kết quả chỉ trong vài giây tìm kiếm trên google, cô gái siêu trí tuệ Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thục Nữ đã khiến nhiều người ngưỡng mộ lẫn tự hào. Tuổi trẻ tài cao, 25 tuổi, Thục Nữ đã đọc số lượng sách mà một người bình thường phải mất… 833 năm mới đọc hết. Nhiều người cho rằng, Thục Nữ là một thư viện sống. Hẳn, phải hơn thế. Vì cô gái này còn có khả năng liên kết, logic hóa tri thức bằng cách ghi nhớ chính xác từng sự kiện lẫn thời gian, không gian.
Bác sĩ Nguyễn Thục Nữ mạnh mẽ, quyết đoán, đầy cá tính sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tiên Châu, Tiên Phước. Từ những năm học cấp một, Thục Nữ đã bắt đầu có hứng thú với việc đọc sách. Những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích đã gieo vào lòng em những cảm xúc thật đẹp về thế giới kỳ diệu. Lên cấp hai, Nữ may mắn được gia đình và thầy cô định hướng, giới thiệu kho tàng tri thức của nhân loại. Nên khác với các bạn cùng trang lứa, Thục Nữ đã sớm tự rèn thói quen đọc sách và tìm được những cuốn sách hay, phù hợp với sở thích.
Bộ truyện đầu tiên đem đến cho Thục Nữ nhiều hứng thú, đó là Harry Potter (J.K.Rowling). Theo Thục Nữ, “bộ sách này mình chỉ review một câu thôi, đó là: Nếu bạn là người thích tưởng tượng, yêu khoa học viễn tưởng, thì bạn chắc chắn phải đọc nó!”… Sau đó, Nữ tìm đọc tới các tác phẩm kinh điển: Không gia đình (Hector Malot), Bá tước Monte Cristo (A. Dumas cha), Túp lều bác Tom (H.B.Stowe)… và có ý thức tìm hiểu sâu hơn về phong cách tác giả cũng như tìm cách ghi nhớ các tri thức phong phú trong từng trang sách, từng tác phẩm.
Đọc sách trở thành niềm đam mê bất tận của Thục Nữ. Vì yêu sách, xem sách là kho báu quý giá nhất của nhân loại, nơi hội tụ những gì tinh túy, nên theo cô, chỉ cần đam mê, mỗi người sẽ mở được hòm của kho báu này, và những báu vật trong từng con chữ sẽ giúp cuộc sống của con người trở nên ý nghĩa hơn, giá trị hơn. Câu danh ngôn mà Nữ yêu thích là “Hãy sống chứ đừng tồn tại”. Đọc và ghi nhớ số lượng sách khủng để thành người “siêu trí tuệ” như Thục Nữ quả là điều ai cũng ngưỡng mộ và mơ ước.
Có những cuốn sách thuộc dạng “gối đầu”, Thục Nữ đọc đi đọc lại rất nhiều lần như: Harry Potter (J.K.Rowling), Tobie Lolness (T.Fombelle), Cô gái đến từ hôm qua (Nguyễn Nhật Ánh)… Nhờ đó, tâm hồn Thục Nữ đã phiêu lưu theo nhiều cuộc đời khác, nhiều thế giới khác, nhiều khao khát và đam mê hơn.
Thắp lửa và truyền ngọn lửa tri thức, nữ bác sĩ trẻ xứ Quảng cho mỗi người thêm niềm tin vào khả năng kỳ diệu của con người, thêm động lực để khám phá và chinh phục tri thức.
Lý Hồng Ân: Vượt qua giới hạn của bản thân
Chọn con đường nghệ thuật, cô gái sinh năm 1997 này đối diện với không ít lần phản đối từ người thân. Thế nhưng, từng bước, một Lý Hồng Ân – diễn viên đã khẳng định tài năng của mình bằng thành tựu trong sự nghiệp diễn xuất. Một Lý Hồng Ân nhỏ bé từ Bình Lãnh (Thăng Bình) vào Sài Gòn lập nghiệp, đã vượt qua các rào cản bao gồm cả những khó khăn trong đời sống và những lúc mềm lòng vì thiếu đi một chỗ dựa tinh thần. Nhưng càng như vậy, cái “gen” người Quảng càng khiến cô gái trẻ này bản lĩnh hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn.
Trở thành diễn viên chuyên nghiệp là mục tiêu lựa chọn ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường của Lý Hồng Ân. Những dự án diễn xuất đầu tiên, Lý Hồng Ân tự đưa ra nhận định rằng “không phải một dự án mang lại tên tuổi”, nhưng với cô, dù chỉ là một clip quảng cáo mỹ phẩm, một video để đăng lên YouTube... cũng đều là một bước đi cần thiết và quý giá đối với một người tỉnh lẻ dấn chân vào nghệ thuật như Ân.
Chính vì vậy, Ân không ngần ngại dấn thân vào nhiều thể loại kịch bản, thử thách khả năng diễn xuất và vượt qua các giới hạn của bản thân. Từ vai diễn cô nàng lớp trưởng cá tính, mạnh mẽ tên Vy trong dự án sitcom Bad Luck: Lời nguyền tuổi 17, là bản live action của bộ truyện cùng tên. Cũng trong năm 2018, cô nhận được lời mời tham gia một vai nhỏ cho dự án Thiên Linh Cái (Thất Sơn Tâm Linh), nữ chính của webdrama Pit-a-pat Caffeine...
Và trong năm 2019, Lý Hồng Ân có cơ hội được góp mặt trong dự án HBO Asian Films: “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” của đạo diễn Phan Đăng Di. Sắp tới đây mọi người cũng sẽ thấy hình ảnh Lý Hồng Ân hoàn toàn khác trong dự án phim điện ảnh “Người lắng nghe” - đạo diễn Khoa Nguyễn sẽ ra mắt vào những tháng đầu năm 2021. Diễn viên Lý Hồng Ân chia sẻ, hiện tại cô tập trung vào các dự án phim điện ảnh – một bước đi chính trong sự nghiệp tương lai của mình.
Với Lý Hồng Ân, trên con đường đã chọn, điều quan trọng không phải khó khăn gặp phải, mà hơn hết chính là những người cô trân quý vẫn luôn bên cạnh. “Khi lựa chọn trở thành diễn viên, mình đối mặt với sự phản đối của gia đình. Sự e ngại của ba mẹ làm mình nặng lòng, sự bất đồng của hai chị gái càng khiến mình khó khăn hơn” – Lý Hồng Ân kể.
Để phần nào xoa dịu gia đình, lúc đầu cô đã phải vừa theo học chương trình đại học như gia đình mong muốn, vừa tham gia các lớp học và hoạt động diễn xuất do Đại học Sân khấu Điện ảnh sắp xếp. Áp lực và nỗ lực đi đôi với nhau, cô gái Lý Hồng Ân ngày một trưởng thành và trở thành gương mặt triển vọng trong các dự án điện ảnh.
Hiểu rõ sự khó khăn trong con đường sự nghiệp của mình, Lý Hồng Ân biết, càng quý trọng và tri ân những động viên, ủng hộ từ khán giả, bạn bè, đồng nghiệp, người thân… sẽ càng giúp cô thăng hoa hơn trong sự nghiệp. Cô mong muốn có nhiều cơ hội trong tương lai để có thể rèn luyện, thử thách và phát triển năng lực và cái tâm với nghề, điều mà Lý Hồng Ân mến mộ nhiều nhất từ các cô chú, anh chị đi trước, đặc biệt là các bậc tiền bối đồng hương - Quảng Nam.
Lê Thị Bích Công: Sống xanh - sống tối giản
Năm thứ 5 Lê Thị Bích Công “dựng lại” mình ở Cù Lao Chàm. Sau những tháng ngày dong ruổi phố thị, giấc mơ về một hơi thở lành, những món ăn sạch... khiến cô phải ngược dòng về lại với đảo. Như một đứa con xa về nhà, với bao nhiêu khấp khởi hân hoan, Công gầy dựng nên nhiều hoạt động cho cộng đồng người dân xã đảo.
“Mong ước rằng sẽ xây dựng tủ sách nhỏ, cùng chung tay xây dựng cộng đồng đọc ở đảo, hướng dẫn thế hệ nhỏ về tình yêu thiên nhiên, biển cả, núi rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ nhân ái... và rất rất nhiều việc mà tôi muốn làm cho đảo của mình” – Lê Thị Bích Công tâm sự. Từng ngày một, những dự án nhỏ ra đời và được tiếp nối bởi nhiều bàn tay khác, cùng chung lựa chọn lối sống vì cộng đồng như cô gái này.
“Cứ mỗi năm trôi qua, tôi lại có những suy tư mới, làm sao để giữ gìn tri thức bản địa của cư dân vùng đảo Cù Lao Chàm, làm sao để đưa cái tri thức, văn hóa, nghề truyền thống đó đến với du khách và tạo nên hồn quê, thương hiệu cho đảo; rồi đến việc làm sao để phát triển những sản phẩm địa phương – bởi đảo của mình được thiên nhiên ưu ái nhiều sản phẩm ngon, bổ dưỡng, giá trị. Làm sao để sản phẩm sạch của đảo đến với phố, tạo nên giá trị định vị thương hiệu, thế mạnh riêng cho vùng biển Cù Lao?” – Lê Thị Bích Công nói.
Cứ mỗi suy tư là một dự án ra đời. Năm 2021 này, Bích Công sẽ khởi động dự án kinh doanh sản vật địa phương trực tuyến. Đây là một trong những tiểu dự án trong chuỗi dự án dài hạn “Sống xanh – sống tối giản” của Bích Công.
“Sau cơn đại dịch 2020, mọi người ít nhiều nhận ra rằng cái quan trọng hơn cả tiền bạc, của cải chính là một cơ thể khỏe mạnh, một tâm hồn bình an. Mang vị biển vào phố, cung cấp những sản phẩm tự nhiên – sạch – an toàn – sức khỏe đến với những khách hàng ở phố, tạo cho họ sự an tâm, tin tưởng hơn khi lựa chọn những sản phẩm cho sức khỏe bản thân và gia đình... Mục tiêu của dự án cũng hướng đến lập một quỹ nhân ái nhỏ cho cộng đồng địa phương, trích 20% lợi nhuận kinh doanh góp vào quỹ để giúp những cụ già neo đơn và các hoạt động cho các em học sinh trên đảo. Đồng thời tôi vận động người dân tham gia dự án hướng đến kinh doanh sạch từ sản phẩm cho đến việc kinh doanh thân thiện, hạn chế gây tổn hại đến môi trường” – Bích Công chia sẻ.
Mở lớp ngoại ngữ miễn phí cho trẻ em xã đảo, thành lập thư viện – phòng đọc cộng đồng cho người dân ở đảo. Chưa hết, Bích Công còn thành lập một văn phòng hướng dẫn du khách quốc tế ngay tại Cù Lao Chàm. Những dự án này bây giờ đã có người đồng hành, chia sẻ cùng cô. Bích Công lại bắt tay vào những hoạt động mới...
Lê Ngọc Ty: Người làng biển
Tất bật. Nhiệt tình. Giàu đam mê học hỏi. Nhiều nghệ sĩ từng tham gia các dự án cộng đồng tại xã biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) đều gần như chung một nhìn nhận về chàng trai này. Được lựa chọn từ đề án 500, từ năm 2015, Lê Ngọc Ty được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh. Vừa là một may mắn, vừa là một áp lực khi Ty vốn dĩ là cư dân của làng biển này.
Thức nhận giá trị cốt lõi của quê hương mình, nhưng nhiều năm liền, người dân vẫn phải chật vật với bao nhiêu sinh kế, buộc người trẻ tuổi tham gia chính quyền như Lê Ngọc Ty phải tư duy lại. Và như một duyên may, làng biển Tam Thanh được chọn lựa từ chính những nghệ sĩ Hàn Quốc để thử nghiệm cho một loại hình nghệ thuật gắn với cộng đồng. Chính trong dự án này, Lê Ngọc Ty khẳng định được năng lực làm việc của mình.
Anh tất bật đi vận động từng gia đình và chỉ cho người dân thấy được những thuận lợi khi cùng tham gia dự án nghệ thuật cộng đồng đầu tiên tại Quảng Nam. Năm 2016, khi cái tên Làng bích họa Tam Thanh trở thành từ khóa tìm kiếm của giới “du lịch bụi”, thì đồng nghĩa những lặng lẽ mà Lê Ngọc Ty cống hiến cho làng mình được bà con xác quyết.
“Phát triển du lịch cộng đồng tại xã ven biển Tam Thanh phải trên cơ sở gìn giữ những giá trị cốt lõi nhất làng mình, qua đó đưa ra những giải pháp bền vững để cải thiện môi trường sống và tạo sinh kế cho cộng đồng. Đây chính là điểm khác biệt của các dự án cộng đồng mà Tam Thanh đang thực hiện. Chúng tôi không thiết kế trước các hoạt động mà xây dựng và thực hiện theo tiến trình tham gia của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương, phù hợp với nguồn lực sẵn có, thậm chí có thể huy động từ ngân sách địa phương và vận động tài trợ” – Lê Ngọc Ty nói.
Điểm riêng có của du lịch Tam Thanh là thu hút du lịch thông qua hoạt động “đưa nghệ thuật vào không gian sống”, đặc biệt là phương thức thực hiện với sự tham gia của cộng đồng. Phương thức này tạo cho người dân cơ hội cùng tham gia sáng tạo và tôn vinh văn hóa, tạo dựng được vốn xã hội thông qua hợp tác, chia sẻ, tìm kiếm, xây dựng những mối liên hệ văn hóa nghệ thuật trong một mục tiêu chung. Các mối liên hệ này giúp ích cho cộng đồng thực hiện những mong muốn của mình – từ làm đẹp môi trường sống đến phát triển kinh tế và cải thiện hạ tầng.
Một HTX du lịch cộng đồng Tam Thanh vừa được thành lập với sự tham gia của các hộ dân làng biển. Và cũng là Ty, người đi gõ cửa từng người làm nghề truyền thống, từng hộ dân muốn làm du lịch để vận động họ cùng tham gia HTX. Chưa hết, anh đi vận động từng tổ chức phi chính phủ có thể hỗ trợ người dân mình thông qua các khóa đào tạo làm sản phẩm lưu niệm, làm du lịch văn minh… Người dân vẫn sẽ ở lại làng, gìn giữ những giá trị lâu đời của làng, sống được ở làng. Đó, cũng chính là giữ lại một phần tâm thức biển trong dòng chảy dồn dập của một đời sống mới...