Dấu ấn phát triển Thăng Bình
Hai điểm nhấn về phát triển kinh tế và thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá trong năm 2020 là đòn bẩy để huyện Thăng Bình triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021.
Ổn định tăng trưởng kinh tế
Vượt qua ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến phức tạp của bão lũ, tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp của huyện Thăng Bình là 1.925 tỷ đồng, bằng 102,39% so với chỉ tiêu nghị quyết năm 2020. Trong đó, giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha diện tích canh tác đạt 72,5 triệu đồng, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1ha canh tác đạt 930 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2020 khoảng 91.878 tấn, đạt chỉ tiêu kế hoạch; sản lượng ngành thủy sản hơn 17.146 tấn, đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Các chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân vay vốn, đóng tàu công suất lớn để sản xuất xa bờ được ngư dân tiếp cận. Lâm nghiệp có nhiều chuyển biến, tỷ lệ che phủ rừng 20,6%, đạt chỉ tiêu nghị quyết.
Thăng Bình đã thực hiện tốt chăm sóc rừng trồng thuộc dự án trồng rừng thay thế cũng như dự án bảo vệ, phát triển rừng tại một số xã trên địa bàn. Kinh tế hợp tác được địa phương chú trọng. Đến nay, toàn huyện có 32 hợp tác xã và 21 tổ hợp tác hoạt động tốt. Nhờ đó, chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất được triển khai tốt, sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Năm 2020, toàn huyện Thăng Bình có 3 xã đã hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là Bình Đào, Bình Hải và Bình Phục, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn huyện là 16 xã, đạt 80%. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, các xã NTM có diện mạo khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Dấu ấn trong xây dựng NTM ở Thăng Bình còn thể hiện ở hạ tầng được đầu tư khang trang, đường làng, ngõ xóm kiên cố, các công trình dân sinh đầu tư thiết thực.
Trong năm qua, huyện Thăng Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn. Địa phương phối hợp với các sở, ngành, các trường đào tạo nghề cho lao động phổ thông. Cùng với đó, quảng bá, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp sản xuất thuận lợi.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, nhiệm vụ trọng yếu trong năm 2021 của địa phương là huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Quan trọng là nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lực của từng vùng, từng địa phương.
Chuyển biến 3 nhiệm vụ đột phá
Ba nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực có nhiều chuyển biến ở huyện Thăng Bình trong năm qua.
Ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho biết, Huyện ủy đã quyết liệt chỉ đạo công tác đầu tư công, hầu hết công trình chuyển tiếp và công trình trong danh mục đầu tư xây dựng năm 2020 được tổ chức thực hiện tốt với tổng vốn 432,27 tỷ đồng. Đáng kể nhất là giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án cầu Bình Đào, quốc lộ 14E, dự án đường Lý Tự Trọng ở nội thị Hà Lam. Tại các xã, nhất là các địa phương vùng đông, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được tháo gỡ, tạo điều kiện để tỉnh, huyện triển khai thuận lợi những dự án lớn. Thị trấn Hà Lam cơ bản đạt chuẩn đô thị loại IV, còn xã Bình Minh đạt đô thị loại V.
Cải thiện môi trường đầu tư cũng là nhiệm vụ then chốt của huyện Thăng Bình trong năm qua. Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng các cơ chế, chính sách, lợi thế về đất đai nên quá trình thu hút đầu tư của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến.
“Trong năm qua có 3 nhà đầu tư lớn đầu tư vào huyện. Chúng tôi tiếp tục tăng cường quảng bá, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch và công nghiệp trong năm nay” - ông Võ Văn Hùng nói.
Nhờ triển khai tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 26.11.2019 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 nên chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Thăng Bình đã xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn nhờ tinh giản biên chế. Cơ chế chính sách phát triển thị trường lao động cũng ghi dấu ấn đậm nét trong năm qua.
Thăng Bình đã giải quyết việc làm cho hơn 3 nghìn lao động ở các cụm công nghiệp. Trong năm nay, huyện chủ trương đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động ở các xã nằm trong vùng dự án ở vùng đông, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo nguồn lao động phục vụ các dự án...