Giúp dân phục hồi sinh kế sau Covid-19
Từ các dự án hỗ trợ người dân phục hồi sinh kế sau dịch Covid-19, nhiều gia đình ở huyện Nam Giang dần tiếp cận được các mô hình phát triển mới, từng bước ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn ban đầu.
Ông Hồ Thanh Sơn - Trưởng Chương trình vùng huyện Nam Giang (thuộc Tổ chức Tầm nhìn thế giới) cho biết, dự án hỗ trợ phục hồi sinh kế sau đại dịch Covid-19 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam triển khai từ tháng 10 đến tháng 12.2020 với kinh phí 83.395 USD (khoảng 2 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí trên, thông qua các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sinh kế, Chương trình vùng huyện Nam Giang đã thực hiện các gói hỗ trợ cụ thể về nước sinh hoạt, cải thiện dinh dưỡng, chăn nuôi gia cầm… nhằm giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với gia đình khó khăn, có con nhỏ tại địa phương.
“Ở huyện Nam Giang, có hơn 81% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chính chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người dân địa phương. Vì thế, các dự án hỗ trợ của Chương trình vùng huyện Nam Giang được kỳ vọng sẽ giúp người dân có thêm cơ hội vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống” - ông Sơn chia sẻ.
Điểm nhấn trong các gói hỗ trợ lần này, ngoài nước sinh hoạt, còn là mô hình chăn nuôi gà kiểu mới, được áp dụng theo phương pháp úm con 1 ngày tuổi. Để đảm bảo cho quá trình chăn nuôi, ngoài kiên cố chuồng trại, lót đệm sinh học, chế phẩm vi sinh để chế biến thức ăn cho vật nuôi, các hộ dân còn được hỗ trợ về kỹ năng chăm sóc đàn gà một cách khoa học nhất.
Ông Đỗ Thanh Tâm - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Giang (đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi gà theo phương pháp mới) cho hay, tất cả hộ dân hưởng lợi từ dự án đều được tập huấn “lớp học nông dân tại hiện trường”, giúp họ có kiến thức để áp dụng thay đổi thực hành trong chăn nuôi truyền thống.
Theo ông Tâm, trước đây, ở Nam Giang cũng đã có nhiều dự án hỗ trợ con giống trong chăn nuôi chuồng trại. Tuy nhiên, tỷ lệ sống thấp do con giống không thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương. Với mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp úm con 1 ngày tuổi này, ngoài nâng cao tỷ lệ sống, kích thích sinh trưởng, đàn gà còn có khả năng đề kháng tốt, giúp người chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh từ bên ngoài, nâng hiệu quả kinh tế theo mô hình gà thịt thương phẩm đặc trưng ở vùng cao.